Đối xử bình đẳng với người dân khi thu hồi đất

Chính trị - Ngày đăng : 11:25, 17/06/2013

(HNMO) - Sáng 17-6, Quốc hội (QH) đã thảo luận tại hội trường về dự thảo luật đất đai sửa đổi.

Gần 7 triệu ý kiến góp ý sửa Luật Đất đai

Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) đã tăng 14 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4. Dự thảo đã luật hóa các quy định áp dụng ổn định trong thực tiễn, bao gồm các quy định quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai… Dự thảo đã cơ bản giải quyết được các tồn tại, vướng mắc hiện nay, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển KT-XH, hội nhập quốc tế của đất nước.

Tại dự thảo, quyền và trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai, thống nhất quản lý nhà nước đối với đất đai đã quy định rõ ràng và cụ thể hơn trong dự thảo Luật. Các quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất đã được rà soát và quy định cụ thể, phù hợp với từng đối tượng, từng hình thức sử dụng đất như đất giao không thu tiền sử dụng đất, giao có thu tiền sử dụng đất, đất thuê hàng năm và đất thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, đất do nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Chính sách, pháp luật đất đai đối với khu vực nông nghiệp tiếp tục được hoàn thiện theo hướng mở rộng thời hạn giao đất đất nông nghiệp trong hạn mức cho hộ gia đình, cá nhân; mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp; khuyến khích việc nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất để tập trung đất đai nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn; quy định chặt chẽ chế độ sử dụng đất trồng lúa, đất rừng nhằm đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực quốc gia và bảo vệ môi trường.

Ảnh minh họa.


Quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường đã được tăng cường, trong đó đã hạn chế các trường hợp được Nhà nước giao đất, chuyển cơ bản sang áp dụng hình thức thuê đất; thực hiện cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất khi giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất; thực hiện định giá đất theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước để tính thu các nghĩa vụ tài chính khi giao đất, cho thuê đất, tính giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tính bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất nhằm tiến tới xóa bỏ bao cấp trong quản lý, sử dụng đất đai, khắc phục tình trạng "xin - cho" trong sử dụng đất.

Dự thảo luật cũng bổ sung quy định khung pháp lý về thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai, quyền tiếp cận thông tin đất đai; hoàn thiện các quy định nhằm tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình lập, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nhằm công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng đất, góp phần phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và làm giảm các khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai.

Tuy nhiên, đất đai luôn là một trong những vấn đề “nóng” được đông đảo người dân quan tâm. Thống kê cho thấy, đã có 6.958.848 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân nhằm hoàn thiện dự thảo luật đất đai sửa đổi. Chính vì vậy, phiên thảo luận tại hội trường đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắng của các ĐBQH về vấn đề này. ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đoàn Đắc Nông) nêu ý kiến, việc bồi thường cho người dân khi thu hồi đất tới đây nên thực hiện theo hướng đa dạng, chia thành 2 hình thức: bồi thường 1 lần và nhiều lần. Nếu bồi thường 1 lần, nên giao hết tiền cho người dân hoặc gửi vào ngân hàng. Cơ quan chịu trách nhiệm chi trả là cơ quan nhà nước để thủ tục bồi thường đơn giản, không gây khó khăn cho người dân.

Liên quan đến việc lập quy hoạch sử dụng đất, ĐB Lê Thị Công (Đoàn Bà Rịa Vũng Tàu) nêu ý kiến, quy định phải công chứng chứng thực hợp đồng giao dịch chuyển quyền sử dụng đất nếu bắt buộc sẽ gây khó khăn cho người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa; Đề nghị cho phép người dân được lựa chọn công chứng chứng hoặc chứng thực tại UBND cấp xã để đơn giản thu tục cho người dân.

Dưới một góc nhìn khác, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Đoàn Hà Nội) nêu ý kiến, khi sửa đổi luật đất đai, cần lưu ý để chồng chéo các mâu thuẫn với luật khác về quyền quản lý Nhà nước với đất đai. Kế hoạch sử dụng đất phải lập hàng năm để hạn chế chồng chéo giữa các quy hoạch và hạn chế lãng phí. ĐB cũng cho rằng, cần lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch sử dụng đất các cấp để tránh nảy sinh các vụ khiếu kiện trong người dân.

Lưu ý sinh kế cho người dân khi thu hồi đất

Một trong những vấn đề mấu chốt tại Luật Đất đai được đông đảo người dân quan tâm là công tác bồi thường, thu hồi đất. Đa số các ý kiến ĐB đều tán thành mục tiêu thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích công cộng… được nêu tại dự thảo. Tuy nhiên, theo ĐB Trần Ngọc Vinh (Đoàn Hải Phòng), cơ chế thu hồi đất chưa được ban soạn thảo nêu rõ tại dự thảo. Theo ĐB, đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Khi nhà nước giao đất cho tổ chức cá nhân, lúc thu hồi, nhà nước phải trưng mua quyền sử dụng đất. Chủ đầu tư dự án, Nhà nước và người dân đều là các chủ thể liên quan khi nhà nước thu hồi đất, nên đều phải được đối xử công bằng, nhằm tránh tình trạng người dân luôn trong tâm trạng lo sợ mất đất bất cứ lúc nào. Cần làm rõ việc thu hồi tài sản gắn liền với đất liệu có vi hiến hay không. “Nếu coi nhẹ vấn đề an dân thì khó phát triển kinh tế xã hội, một khi lòng dân không thuận thì cũng khó lòng phát triển được” - ĐB Trần Ngọc Vinh chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề bồi thường hỗ trợ tái định cư, ĐB Trần Ngọc Vinh cũng cho rằng, đây là mấu chốt khiến khiếu kiện đất đai phức tạp. Vì vậy, khi sửa luật phải quy định rõ vấn đề này. Vấn đề sinh kế người dân ra sao khi nhà đất bị thu hồi cũng rất đáng được quan tâm. Khi thu hồi đất, cần lưu ý tạo việc làm, ổn định đời sống người già, người hết tuổi lao động. Tại các khu tái định cư cần có quy định về việc bảo trì khi xuống cấp chứ hiện tại vẫn còn tình trạng đưa dân vào là xong.

Đồng quan điểm này, ĐB Ngô Văn Minh (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, thu hồi đất là nội dung người dân quan tâm gây nhiều tranh cãi và đây là lĩnh vực xảy ra nhiều sai phạm, tranh chấp. Vì vậy, khi thu hồi đất phải có quyết định thu hồi riêng với tài sản trên đất, nhằm tránh gây bức xức cho người dân. ĐB Huỳnh Nghĩa (Đoàn Đà Nẵng) cũng cho rằng, trước khi cưỡng chế thu hồi đất, lãnh đạo địa phương phải tổ chức đối thoại công khai với người dân, vấn đề gì chưa thỏa đáng thì xử lý lại cho đúng. Chỉ sau khi lãnh đạo trực tiếp gặp dân, giải đáp thỏa đáng mà người dân vẫn chống đối thì mới tiến hành cưỡng chế để giảm thiểu những vụ khiếu kiện đất đai kéo dài hiện nay.

ĐB Trịnh Ngọc Phương (Đoàn Tây Ninh): Tình hình buông lỏng quản lý, nôn nóng, chạy theo lợi ích kinh tế ở nhiều địa phương trong việc chuyển mục đích sử dụng đất đã tạo ra sự rối loạn trong công tác sử dụng đất và để lại tác động xấu đến môi trường. Điển hình là trong định hướng về mặt tổng thể phát triển đô thị Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1998 có dự báo, đến năm 2010 diện tích đất đô thị khoảng 243.000ha, chiếm 1,4% diện tích cả nước. Nhưng thực tế chỉ đến năm 2005 diện tích đô thị cả nước đã lên đến 325.000ha, vượt 1,8 lần so với dự báo diện tích đất đô thị năm 2010.

ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Đoàn Bình Định): Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn quá nhiều sai sót mà nguyên nhân chủ yếu là do lỗi của các cơ quan quản lý nhà nước. Nhà nước phải có trách nhiệm khắc phục để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Tuy nhiên Dự thảo Luật chưa có quy định nào về xử lý vấn đề này. Luật Đất đai hiện hành có quy định Nhà nước thu hồi giấy chứng nhận đất đã cấp sai cho người sử dụng đất, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất bởi việc cấp sai là lỗi của cơ quan quản lý nhà nước. Trường hợp cơ quan nào cấp giấy chứng nhận sai cho người sử dụng đất thì phải có trách nhiệm bồi thường nhằm nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức và hạn chế thấp nhất những sai sót.

ĐB Lê Thị Nguyệt (Đoàn Vĩnh Phúc): Về cơ chế giá đất đền bù, khi thu hồi đất có hai dạng, đó là phục vụ lợi ích quốc gia và cho các DN thuê. Với trường hợp đền bù để giao đất cho DN thì phải có thỏa thuận về giá, nếu phục vụ lợi ích quốc gia như: Các công trình trọng điểm công cộng, công trình phúc lợi thì phải áp dụng theo khung giá của Nhà nước. Mặt khác, thực tế hiện nay có những khu đất hợp pháp nhưng do thiếu giấy tờ hoặc đất do cha ông để lại nên không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Để tạo thuận lợi cho người dân, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nên quy định cụ thể về các trường hợp này.

ĐB Lê Thị Công (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu): Việc chuyển quyền sử dụng đất bắt buộc phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; việc công chứng các hợp đồng giao dịch và quyền sử dụng đất góp phần bảo đảm an toàn cho các giao dịch, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, là cơ sở pháp lý vững chắc cho cơ quan bảo vệ pháp luật khi phải giải quyết những tranh chấp liên quan. Tuy nhiên, nếu bắt buộc các hợp đồng giao dịch về quyền sử dụng đất phải có công chứng thì sẽ khó khăn cho người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Khánh Lylược ghi

Hương Ly