Chớ nên chuốc họa vào thân

Bạn đọc - Ngày đăng : 07:10, 17/06/2013

(HNM) - Chợ cóc, chợ tạm, chợ tự phát, chợ vỉa hè... là những từ được hình thành và sử dụng phổ biến trong những năm gần đây ...




Chợ này có thể hình thành do nhu cầu thiết yếu của khu vực dân cư (vì trên địa bàn chưa có chợ) nhưng cũng có thể là do có vỉa hè rộng, lối ngõ thông thoáng, tiện lợi mà hình thành. Người bán có thể được dân cư cũng như chính quyền sở tại thừa nhận, cho tồn tại nhưng cũng có thể thường xuyên bị dẹp hoặc bị xử phạt hành chính...

Tất cả sản phẩm bán tại các loại chợ cóc, chợ tạm, chợ tự phát này đều có một đặc điểm chung: Đó là không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không được kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như chất lượng. Ngoài ra, người kinh doanh tại các chợ kiểu này không đóng góp nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Vệ sinh môi trường nơi có chợ cóc bị ô nhiễm bởi không kiểm soát được rác và chất thải…

Vậy, tại sao các chợ này vẫn có thể tồn tại, thậm chí ngày càng tăng về số lượng và quy mô? Đã có nhiều ý kiến cho rằng đó là do sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương. Cũng đã có nhiều nhà quản lý địa phương nêu lập luận "lực lượng mỏng, nhân sự thiếu"... Tuy nhiên, theo tôi nguyên nhân chính là do người tiêu dùng quá coi thường sức khỏe của bản thân cũng như sự an toàn chung của cộng đồng.

Giữa mùa dịch cúm gia cầm nhưng gà, vịt cả tươi sống lẫn đã sơ chế bày bán bên vỉa hè vẫn có người mua. Giữa lúc toàn bộ hệ thống cơ quan chức năng Nhà nước tập trung phòng và kiểm soát dịch lở mồm long móng hay dịch tai xanh thì thịt lợn, thịt bò vẫn được bày bán tràn lan trên các bàn, phản tại chợ cóc. Không có dấu kiểm dịch, không chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, không che đậy, được bày ngay góc phố đầy bụi, chất thải hôi thối và bám đen ruồi nhặng... thế nhưng những miếng thịt đã sơ chế vẫn bán đắt hàng bởi giá rẻ hơn trong chợ và siêu thị, lại thuận tiện khách hàng đi xe máy, ô tô...

Sử dụng thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, mang mầm bệnh vừa nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của người sử dụng, vừa gây tốn kém chi phí mua thuốc, khám điều trị. Bởi vậy, người tiêu dùng không nên vì ham rẻ, ham sự tiện lợi mà tự chuốc họa vào thân. Sức khỏe của mỗi cá nhân chính là sức khỏe của cả xã hội, cả cộng đồng. Nếu mỗi thành viên không ý thức được việc giữ gìn sức khỏe, vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường sống thì điều đó cũng có nghĩa là môi trường sống của cả cộng đồng sẽ bị hủy hoại.

Hải Chi (Phường Hàng Mã, Hoàn Kiếm)