Từ “Gặp gỡ Blois” đến “Gặp gỡ Việt Nam”

Người Việt bốn phương - Ngày đăng : 07:01, 17/06/2013

(HNM) - Vào những ngày cuối tháng 5 vừa qua, tại TP Blois xinh đẹp ở miền Trung nước Pháp đã diễn ra

Đây không chỉ là cuộc gặp thường niên giữa các nhà khoa học trên thế giới nhằm trao đổi các vấn đề cùng quan tâm, mà còn là dịp tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với các nhà khoa học Việt Nam cũng như đề ra các hoạt động thiết thực hướng về Việt Nam.

Đại sứ Dương Chí Dũng gặp đại diện bà con Việt kiều và đại biểu tham dự “Gặp gỡ Blois” lần thứ 25 tại Pháp. Ảnh: TTXVN


Một trong những người có nhiều đóng góp làm nên thành công của sự kiện này là GS.TS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam tại Pháp. Thời gian qua một loạt cuộc gặp mang tên "Gặp gỡ Blois", "Gặp gỡ Moriond", "Gặp gỡ Việt Nam" do GS.TS Trần Thanh Vân chủ trì tổ chức cùng với sự giúp đỡ của các cộng sự tại Pháp đã thu hút sự quan tâm của giới khoa học trong cũng như ngoài nước. Từ năm 1989 đến nay, "Gặp gỡ Blois" đã trở thành cuộc gặp thường niên để các nhà vật lý hàng đầu thế giới, trong đó có nhiều nhà vật lý trẻ, thảo luận những vấn đề lớn đang gây tranh cãi nhiều trên thế giới trong lĩnh vực vật lý và thiên văn. Từ năm 1993 đến nay, "Gặp gỡ Việt Nam đã tổ chức nhiều hội nghị khoa học quốc tế trong và ngoài nước, trong đó 6 lần tổ chức tại Việt Nam vào các năm 1993, 1995, 1999, 2000, 2004 và 2006, với chủ đề chính là vật lý hạt nhân, vật lý thiên văn, công nghệ sinh học và các nghiên cứu ứng dụng… giúp các nhà khoa học Việt Nam và Châu Á - Thái Bình Dương gặp gỡ, trao đổi với các nhà khoa học phương Tây, trong đó có nhiều người đoạt giải Nobel.

Cuộc "Gặp gỡ Blois" lần thứ 25 vừa qua đã thu hút sự tham gia của 144 đại diện đến từ 27 nước và vùng lãnh thổ như Anh, Mỹ, Đức, Italia, Nga, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Nhật, Canada, Ấn Độ, Bỉ, Brazil, Ba Lan. Tại cuộc gặp, GS.TS Trần Thanh Vân đã trình bày về dự án xây dựng Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành, với quy mô 18,4ha tại phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn (Bình Định) với tổng mức đầu tư khoảng 6 triệu USD. Các hạng mục công trình lớn bao gồm trung tâm hội nghị quốc tế với trang thiết bị hiện đại, khu nghỉ dưỡng cao tầng, khu vui chơi, giải trí, thư viện, phòng thí nghiệm. GS.TS Trần Thanh Vân cho biết, mục tiêu của trung tâm nhằm mở rộng môi trường hoạt động nghiên cứu và trao đổi khoa học, đào tạo cho các nhà khoa học trẻ có tiềm năng của Việt Nam. Sự ra đời trung tâm cũng phù hợp với chủ trương tăng cường, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ của đất nước và phối hợp quốc tế để tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học một cách hiệu quả.

Đánh giá cao công tác tổ chức và ý nghĩa của "Gặp gỡ Blois", Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng khẳng định, đây là cơ hội quý báu để các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế có tên tuổi có thể gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu khác nhau để "dệt nên sự hợp tác hiệu quả" trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học giữa Việt Nam với Pháp và các nước khác trên thế giới. Đại sứ cho rằng, khi Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành được khánh thành và đi vào hoạt động sẽ trở thành một trung tâm tổ chức hội nghị quốc tế có uy tín, thu hút sự tham gia của các nhà vật lý, các nhà khoa học hàng đầu thế giới đến với Việt Nam.

Dự kiến vào tháng 8 tới, tại TP Quy Nhơn sẽ diễn ra cuộc "Gặp gỡ Việt Nam" lần thứ 9 và khánh thành trung tâm này, với sự có mặt của 8 nhà khoa học đoạt giải Nobel. Đây là thành quả lớn sau hơn 20 năm nỗ lực của GS.TS Trần Thanh Vân cùng những người bạn làm khoa học của ông. Sự ra đời của trung tâm thể hiện mong muốn của GS.TS Trần Thanh Vân là đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới, chứng minh với thế giới rằng Việt Nam có những nhà khoa học tài năng, đồng thời hoàn toàn có thể đón những nhà khoa học danh tiếng trên thế giới với các hội thảo có tầm cỡ quốc tế.

Tuấn Minh