Vở kịch nói “Tai biến”: Điểm cộng cho Nhà hát Kịch Việt Nam
Văn hóa - Ngày đăng : 06:31, 17/06/2013
Một cảnh trong vở “Tai biến”. |
Nội dung vở kịch là câu chuyện về số phận của ba người bạn chí cốt đã từng có một thời vào sinh ra tử, là bạn chiến đấu chung tiểu đội, rồi cùng được Nhà nước cử đi du học ở Nga, có chung một hoài bão góp sức xây dựng đất nước. Họ là những người thành đạt, ở mức thang danh vọng cao như thứ trưởng, tổng giám đốc, thiếu tướng công an… Vậy mà, trước tiền tài và danh vọng, sự cám dỗ quyền lực, lợi ích phe nhóm, ba người bạn đã thay đổi, cuộc sống của họ quay cuồng trong những mưu mô, toan tính, lọc lừa…
Tên vở kịch của tác giả Xuân Đức ban đầu là "Ba người đàn ông và căn bệnh tai biến", sau đổi thành "Tai biến" cho ngắn gọn. NSND Đình Quang, với con mắt của một đạo diễn lão thành đã cho rằng, không dễ dựng kịch của tác giả Xuân Đức, về mặt bối cảnh thôi cũng đã có những thách thức được đặt ra. Có tới cả chục không gian kịch, làm cách nào để gắn kết, chuyển cảnh cho thuận, cho đẹp mà không mất thời gian, không ảnh hưởng tới sự tiếp nhận của người xem mà vẫn giúp họ "đã mắt". Đó quả là nhiệm vụ không dễ dàng.
Ăn ý với phong cách hiện thực lãng mạn của đạo diễn, họa sĩ Doãn Bằng đã cho ra đời một kiểu trang trí đẹp mắt, hiện đại. Một sân khấu với hiệu quả ánh sáng tối đa, cách trang trí gợi tả, dễ xoay chuyển cảnh trí. Ông cũng áp dụng cách xử lý hiện đại, mới mẻ trên sân khấu, sử dụng những chiếc ống luôn thay đổi màu sắc, những bục xoay dễ vận chuyển…
Tiết chế, cắt giảm, chọn lựa cách kể chuyện phù hợp, đạo diễn Anh Tú đã có được phiên bản dựng tốt, dẫn dắt trọn vẹn thông điệp mà ê kíp sáng tạo muốn chuyển tải đến người xem, đó là phản ánh thực trạng nạn tham nhũng trong xã hội ngày nay và một điểm cốt lõi: Chính lòng tham khiến con người mù quáng lao vào vòng xoáy tội lỗi… Công tác đạo diễn của NSƯT Anh Tú được những người làm nghề đánh giá cao. Anh làm việc với diễn viên, họa sĩ, nhạc sĩ, mục tiêu quan trọng là gắn kết các thành tố trong vở diễn thành một tổng thể, tạo nên tác phẩm nghệ thuật hấp dẫn về nội dung cũng như hình thức thể hiện. Bởi thế mà khi xem, khán giả thấy "Tai biến" đạt ở nhiều phương diện: Một cốt truyện kịch chặt chẽ, lời thoại đúng với tính cách nhân vật, giàu tính văn học mà không sáo rỗng; dàn nghệ sĩ diễn xuất đều tay, rõ tính gắn kết và giữ được phong cách lịch lãm của nhà hát; đạo diễn xử lý tình tiết sáng tạo, khúc triết…
Tuy nhiên, qua tổng duyệt, "Tai biến" lộ ra một vài lỗi cần được hoàn thiện. Ví như việc thay màu ở những chiếc cột không dựa theo quy luật nào, làm khán giả khó nắm bắt không gian sự kiện đang diễn ra cũng như chưa hiểu được ý tứ của việc đổi màu. Màn khai từ, màn giao đãi vẫn còn dài, làm tiết tấu kịch hơi nặng. Dàn diễn viên đôi chỗ tỏ ra căng thẳng, có lúc vấp lời, thoại chưa rõ chữ… Cảnh múa trên nền nhạc "Chiều Mátxcơva" nổi tiếng của Nga để tạo không gian còn có lỗi kỹ thuật…
Dù sao, với một kịch bản được giới chuyên môn đánh giá là khó dựng, đạo diễn Anh Tú và ê kíp đã dàn dựng tác phẩm hấp dẫn khán giả từ đầu đến cuối. Người xem không cảm thấy căng thẳng mà rất "đã" về cách lột trần thực trạng một căn bệnh đang gây nhức nhối trong xã hội và tìm được bài học cho riêng mình.