Đối diện với thách thức
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:34, 17/06/2013
Người quan tâm tới thông tin nói trên hướng sự chú ý về "nghèo đa chiều" - một khái niệm mới được biết tới nhiều hơn ở Việt Nam trong vòng 3 năm trở lại đây. Tuy thế, thông tin quan trọng nhất có lẽ nằm ở kiến nghị của một số đại biểu dự hội thảo, theo đó Việt Nam nên và cần thiết áp dụng chuẩn đánh giá "nghèo đa chiều".
Dựa trên thực tế, đề nghị nói trên là có cơ sở. Những phân tích về nghèo đói tại Việt Nam trong nhiều năm qua cho thấy cách đánh giá về vấn đề này hiện không còn phù hợp nữa. Ít nhất thì chuẩn nghèo mà ta đang áp dụng cho việc tính toán số hộ và số người nghèo Việt Nam không bao hàm đầy đủ các yếu tố dẫn tới sự đói nghèo, khó dự báo khả năng tái nghèo đối với các hộ cận nghèo, các hộ đã thoát nghèo. Vì sao nói thế?
Chuẩn nghèo Việt Nam hiện nay, dù đã sát thực tế hơn thì về cơ bản vẫn dựa trên chiều thu nhập, dưới con số nào đó thì được cho là nghèo. Bộ chỉ số về nghèo đa chiều có tính thực tế hơn, bao hàm các chiều đánh giá khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, cơ hội về việc làm, an sinh xã hội… và mức thu nhập chỉ được coi là một trong số các chiều cần đánh giá để từ đó xác định tình trạng nghèo. Nếu theo chuẩn nghèo đang áp dụng, tức là dựa vào chiều thu nhập, người ta có thể dễ dàng nhận định rằng tỷ lệ nghèo ở TP Hồ Chí Minh thấp hơn Hà Nội. Tuy thế, cách nay 4 năm, một báo cáo dựa trên cách đánh giá theo chuẩn "nghèo đa chiều", do Chương trình phát triển Liên hợp quốc tài trợ thực hiện đã cho thấy điều ngược lại. Cách đánh giá này, dựa trên kết quả điều tra về khả năng tiếp cận dịch vụ văn hóa, giáo dục, y tế, về nhà ở, thực trạng việc làm, vấn đề chi tiêu, bảo hiểm… dẫn đến kết luận là TP Hồ Chí Minh có tỷ lệ nghèo lớn hơn Hà Nội, dù người dân ở đó có mức thu nhập trung bình cao hơn.
Về mặt định hướng chính sách, Việt Nam xác định mục tiêu giảm nghèo bền vững, tức là chính sách chung không chỉ hướng đến việc giúp người dân thoát nghèo, mà còn quan tâm đến nhóm cận nghèo và nhóm có nguy cơ tái nghèo. Cách tiếp cận ấy tất yếu dẫn đến nhu cầu xem xét thực trạng của nhóm người có thu nhập bình quân cao hơn chuẩn nghèo hiện tại nhưng lại thiếu hụt khả năng bảo đảm một số quyền cơ bản của con người. Trong bối cảnh đó, việc áp dụng đánh giá "nghèo đa chiều" có thể làm "xấu" báo cáo tổng kết ở các tỉnh, thành phố, nhưng nó cho ta con số "thật hơn", để từ đó có giải pháp phù hợp nhằm hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững một cách thiết thực. Đối diện với thực trạng, nhìn rõ thách thức, đó cũng là một cách tạo động lực đúng đắn cho công tác diệt giặc đói nghèo.
Trên thế giới có nhiều nước áp dụng cách đánh giá "nghèo đa chiều". Việt Nam có thể nghiên cứu áp dụng chuẩn mới, nhằm đánh giá toàn diện hơn về người nghèo cũng như cách giúp họ thoát nghèo. Bộ tiêu chí về "nghèo đa chiều" ở Việt Nam sẽ khác - tương thích với đặc điểm của nền kinh tế - xã hội và nguồn lực còn có sự hạn chế nhất định nhưng không xa rời và không cản trở việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.