Lợi ích kép từ nghị quyết

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:51, 16/06/2013

(HNM) - Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIII, người đứng đầu của 4 bộ, ngành gồm NN&PTNT, VH-TT&DL, LĐ-TB&XH, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ đã trả lời chung các câu hỏi của đại biểu.


Chất vấn của các đại biểu đã đi thẳng vào bản chất của vấn đề, không né tránh. Câu hỏi của đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) dành cho Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho thấy, đại biểu sốt ruột trước tình trạng nông sản của bà con nông dân sản xuất ra mất giá hay khó tiêu thụ, trong khi Bộ chưa có biện pháp mạnh như ở lĩnh vực bất động sản hay ngân hàng. Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) nêu vấn đề về cổ tức các doanh nghiệp nhà nước đã lên sàn chứng khoán dùng như thế nào; đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) lật lại món nợ và kết quả tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin hay câu hỏi của đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đề cập "tình trạng băng nhóm theo kiểu xã hội đen hoạt động ngang nhiên trong thời gian dài, dân biết nên không thể nói chính quyền địa phương không biết". Trước dư luận xã hội về tội phạm tham nhũng, đại biểu Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) đặt vấn đề "tội phạm tham nhũng khi xét xử cho hưởng án treo nhiều gây ra hoài nghi về tính nghiêm minh của pháp luật"... Phần chất vấn còn được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng "truy" đến cùng, khiến các bộ trưởng không thể trả lời chung chung, làm tăng tinh thần trách nhiệm với cử tri trong hoạt động chất vấn.

Trả lời chất vấn, có thể cách diễn đạt của một số bộ trưởng chưa hay song khá đầy đủ. Việc các bộ, ngành liên quan hay Phó Thủ tướng phụ trách bổ sung thông tin đã làm rõ hơn nhiều điều. Ví dụ, phần trả lời của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về tính hiệu quả của dự án bô xít ở Nhân Cơ và Tân Rai đã xua tan thắc mắc lâu nay. Tuy nhiên, theo dõi trả lời chất vấn dễ dàng nhận ra sự "nhầm lẫn cố ý" (?) của các bộ trưởng khi đánh đồng trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu ngành với trách nhiệm của ngành (trên thực tế là khác nhau). Và nếu Quốc hội không có một nghị quyết, thật khó biết các "tư lệnh" ngành thực hiện lời hứa thế nào.

Song, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, đến cuối kỳ họp, Quốc hội sẽ ra nghị quyết về chất vấn và đến kỳ họp sau, các bộ, ngành này phải báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết Quốc hội. Rất nhiều cử tri bày tỏ sự đồng tình và còn kiến nghị tại các kỳ họp tới, Quốc hội nên tiếp tục ra nghị quyết về việc chất vấn vì nghị quyết mang lại lợi kép, vừa là cơ hội cho "tư lệnh" ngành khắc phục và cũng là căn cứ tin cậy để đại biểu bỏ phiếu lấy tín nhiệm lần sau.

Thủy Tiên