Đầu tư lớn để phát huy tiềm năng du lịch đường sông
Du lịch - Ngày đăng : 07:07, 15/06/2013
TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh khai thác tiềm năng đường thủy. |
Ông Trần Hùng Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) cho biết, từ đầu tháng 6-2013, Saigontourist chính thức đưa loại hình du lịch đường sông vào khai thác theo chỉ đạo của UBND thành phố. Hiện có 5 công ty thành viên của Saigontourist khai thác loại hình du lịch đường sông tại thành phố và các vùng phụ cận cho du khách trong, ngoài nước. Lộ trình chào bán tour đường sông theo các tuyến Bạch Đằng - Thanh Đa; Bạch Đằng - Đại lộ Đông Tây; Bạch Đằng - Phú Mỹ Hưng; Bạch Đằng - Địa đạo Củ Chi; Bạch Đằng - Nhà vườn quận 9; tuyến tham quan khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ với các tuyến điểm tham quan tại khu du lịch Vàm Sát, khu đảo khỉ, khu du lịch Cần Giờ; tuyến Bạch Đằng - về các tỉnh miền Tây Nam bộ, Đông Nam bộ. Các tour đều chuyên chở bằng tàu, ca nô cao tốc có sức chứa từ 6 đến 40 khách. Trong đó, bến Bạch Đằng trên sông Sài Gòn làm bến chính, từ đó xuất phát đi các tour khác.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND thành phố, thành phố rất chú trọng khai thác du lịch đường sông, mục tiêu phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng du lịch, từng bước đưa thành phố thành trung tâm dịch vụ hạ tầng về tàu thuyền du lịch, đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi giải trí, thưởng thức các giá trị văn hóa nhân văn vùng sông nước. Sự kiện Saigontourist đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch đường sông sẽ góp phần quan trọng tạo ra sức hấp dẫn của du lịch thành phố, mang đến sản phẩm du lịch mới, tạo ra nhiều lựa chọn thú vị cho du khách.
Không chỉ vậy, xác định lợi thế khoảng 1.000km sông, kênh, rạch có chức năng đường thủy nội địa và hàng hải, thành phố đang quyết tâm xây dựng, cải tạo hàng loạt cầu tàu, nhà chờ bến đỗ, tổ chức các sự kiện văn hóa... với tổng số vốn 11.000 tỷ đồng, nhằm mục tiêu đến năm 2020, du lịch đường sông sẽ là sản phẩm chủ lực. Theo đó, từ nay đến năm 2015, TP sẽ cải tạo và xây 50 bến đón tàu, cầu tàu và kết nối đường bộ tới các điểm tham quan; phát triển 65 điểm tham quan du lịch tại các quận, huyện có tuyến du lịch sông; xây dựng 3 điểm du lịch cộng đồng tại huyện Củ Chi, Cần Giờ và quận 9. Trước mắt, sẽ xây dựng 18 cầu tàu và nhà chờ để phục vụ các tuyến du lịch đường sông, trong đó ưu tiên tuyến du lịch dọc kênh Tàu Hũ - Bến Nghé, các cầu tàu, nhà chờ dọc theo kênh gần với các cầu đi bộ trên đại lộ Võ Văn Kiệt, nhằm kết nối giao thông đường thủy và giao thông đường bộ. Tiếp đến sẽ xây dựng một số cầu tàu, nhà chờ dọc các tuyến điểm du lịch ở Củ Chi và Cần Giờ.
Ngoài kế hoạch trên, ngành chức năng của thành phố còn dự định thiết kế tuyến giao thông thủy chạy theo lịch trình thời gian cố định (buýt thủy) nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và khách du lịch nhằm giảm tải cho đường bộ.
Tuy nhiên theo các nhà kinh tế, để có được nhiều tuyến du lịch thành công, cần tuyên truyền, quảng bá rộng rãi về tiềm năng, thế mạnh của du lịch đường sông; chủ động liên kết với các tỉnh, thành phố miền Tây và Đông Nam bộ để đưa thêm những điểm đến đặc sắc và đặc trưng vùng miền vào các tour du lịch; đẩy mạnh xã hội hóa và có chính sách ưu đãi để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.