“Nỗi sợ”… ngày hè
Giáo dục - Ngày đăng : 06:01, 15/06/2013
Phụ huynh: Mong ngày con đi học trở lại
Mỗi khi hè về, các bậc phụ huynh, đặc biệt là cha mẹ học sinh ở lứa tuổi tiểu học, THCS lại thêm nỗi lo tìm chỗ gửi con, tìm người trông con. Hỏi về chuyện này, chị Nguyễn Thị Bình, ở phố chợ Tế Tiêu, thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức, có 3 con gái, than thở: "Nhà nào cũng vậy, dịp nghỉ hè là bố mẹ phải "đánh vật" với lũ trẻ". Chị cho biết, cách của chị là trải một chiếc chiếu to ra giữa nhà, giao cho chúng tự quản, đứa lớn trông đứa bé. Còn bản thân thì vừa bán hàng và lo các việc nội trợ, vừa đảo mắt trông con. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện thuận lợi theo kiểu "đi làm tại nhà" như chị Bình.
Một số học sinh chọn đọc truyện để “xả hơi” trong những ngày nghỉ hè. Ảnh: Bá Hoạt |
"Cả năm chúng đi học suốt, sáng học, chiều học, tối học, học ở trường chưa đủ, lại còn phải đưa đến nhà cô giáo chủ nhiệm để học thêm. Nghĩ cũng tội, cũng muốn chúng được xả hơi một chút. Nhưng ở nhà thì ai trông? Mình làm sao xin nghỉ làm để ở nhà nghỉ hè với chúng được?" - Đó là tâm sự của chị Nguyễn Thị Liên, cán bộ Sở Tài chính, có con trai học lớp 7, con gái học lớp 3. Giải pháp của gia đình chị Liên là gửi con cho ông bà ngoại khoảng 2 tuần rồi đưa chúng về quê nội trong Nghệ An, nhờ trông giùm 2 tuần nữa là gần hết thời gian nghỉ hè, chuẩn bị bước vào năm học mới. Vẫn biết chuyện học hành bây giờ là quá tải nhưng quả thật mong từng ngày chúng được tới trường, đi học trở lại. Theo chị Liên, nhiều người ở cùng cơ quan chị chọn giải pháp thuê người giúp việc để trông con trong dịp nghỉ hè nhưng có ra trung tâm "môi giới người giúp việc", tốn hàng triệu đồng, đổi ba, bốn trường hợp mà vẫn không thuê nổi người trông con ưng ý.
Chị Lê Thị Hương ở phường Hà Cầu, quận Hà Đông, năm học tới có con trai vào lớp 1 cho biết: Ngày 15-7, trường cháu theo học bắt đầu nhận học sinh. Từ nay đến đó đành phải nhờ các cô giáo ở trường mầm non "trông hộ" cháu. Theo chị Hương, tiền học hè của các cháu cao hơn nhiều so với trong năm. "Nhưng cũng phải chấp nhận thôi vì đây là dịp "làm thêm" của các cô. Các cô phải hy sinh việc nghỉ ngơi sau một năm học để trông con mình, có như vậy cũng xứng đáng" - chị Hương cho biết. Tuy nhiên, dịp hè, không phải trường nào cũng tổ chức trông trẻ nên xem ra việc "quản lý" các chủ nhân tương lai của đất nước như thế nào cũng là câu chuyện nan giải với nhiều gia đình.
Học sinh: Nỗi sợ… ngày hè
Xưa trẻ em rất háo hức chờ đợi dịp nghỉ hè vì đây là thời gian các em được gác lại chuyện đèn sách để vui chơi thỏa thích, từ đó vừa rèn luyện về thể chất, vừa bồi dưỡng thêm kỹ năng hòa đồng. Bên cạnh đó, trẻ có thể khám phá thiên nhiên, học hỏi cuộc sống thực tế qua các chuyến tham quan dã ngoại… Lý thuyết là vậy, nhưng thực tế hiện nay nhiều trẻ em không muốn nghỉ hè.
Em Nguyễn Việt Bách, nhà ở phố Hàng Cháo (quận Đống Đa) học sinh Trường THCS Cát Linh cho biết rất sợ nghỉ hè. Lý do là cả năm học đã phải học quá nhiều, nhưng hè lại phải học thêm, vừa ôn tập kiến thức, vừa học trước chương trình, thậm chí còn phải học nhiều hơn thời gian chưa nghỉ hè, do đó lúc nào cũng căng thẳng, mệt mỏi và thèm ngủ. Được biết, hồi tiểu học, Việt Bách thường chỉ đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, vậy là bắt đầu bậc học THCS, bố mẹ cho đi học thêm cả trong năm học và dịp hè, kết quả là em đạt danh hiệu học sinh giỏi. Giờ bố mẹ Bách chỉ lo, nếu không học thêm, Bách khó giữ vững kết quả học tập nên cháu phải học phụ đạo cả toán, văn, ngoại ngữ với áp lực nặng hơn cả trong năm. Thậm chí bố mẹ Bách còn kỳ vọng, hết bậc THCS sẽ cho em thi vào trường chuyên, trường danh tiếng.
Cũng không thích dịp nghỉ hè nhưng với hai chị em Ngọc Linh (lớp 11), Khánh Linh (lớp 7), nhà ở phường Bồ Đề (quận Long Biên) chuyện lại khác. Bố mẹ bận công việc ở cơ quan nên thường chuẩn bị sẵn bữa trưa rồi khóa trái cửa nhà giao hai chị em tự quản. Thế là suốt ngày hết xem phim hoạt hình lại dán mắt vào trò chơi điện tử, đôi lúc được "cải thiện" thêm vài quyển truyện, chỉ có vậy trong bốn bức tường nên đứa nào cũng mong chóng vánh cho hết dịp nghỉ hè. Với một số học sinh có điều kiện "tự quản", nhiều em cho biết, nghỉ hè chỉ một hai tuần đầu là có giá trị, sau đó chả biết đi đâu, làm gì. Ở nhà mãi cũng chán, ra đường lại không có chỗ chơi, giá mà được đến trường nhưng không phải học còn có dịp gặp mặt bạn bè…
Nỗi sợ… dịp nghỉ hè đối với cả người lớn và trẻ con là vậy. Thời cơ chế thị trường, phải chăng đó cũng là một trong những mặt trái cần suy nghĩ?