Quyền lợi người lao động được bảo vệ

Đời sống - Ngày đăng : 07:17, 13/06/2013

(HNM) - Doanh nghiệp (DN) muốn thực hiện chức năng cho thuê lại lao động phải ký quỹ 2 tỷ đồng; không được thuê lao động quá 12 tháng; chỉ có 17 danh mục ngành nghề được phép thuê lại lao động…

Việc ban hành Nghị định 55 lần này nhằm đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột biến về nhân lực trong khoảng thời gian nhất định; thay thế người lao động (NLĐ) trong thời gian nghỉ thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc phải thực hiện các nghĩa vụ công dân hoặc giảm bớt thời giờ làm việc; có nhu cầu sử dụng lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Theo đó, quyền lợi của NLĐ được quy định rõ ràng hơn.

Sửa chữa ô tô là một trong 17 ngành nghề được phép thuê lại lao động. Ảnh: Lê Thắng



Đặc biệt, nghị định nêu rõ, bên thuê lại lao động cũng không được phép thu phí đối với NLĐ thuê lại; cho người sử dụng lao động khác thuê lại NLĐ đã thuê; sử dụng NLĐ thuê lại làm công việc nằm ngoài danh mục công việc được thực hiện; sử dụng NLĐ thuê lại vượt quá thời hạn.

Tuy nhiên, quy định được xem là có sức ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động chính là DN không được phép cho thuê lao động quá 12 tháng. Trên thực tế, hiện có hàng chục triệu lượt lao động được thuê lại hằng năm với sự tham gia của hàng nghìn nhà thầu. Nhưng do trước đây chưa có chế tài quản lý, xử phạt nên các DN cho thuê lao động cứ phạm hết lỗi này đến lỗi khác và NLĐ là đối tượng thiệt thòi nhất… Vì vậy, khi nghị định có hiệu lực (từ ngày 15-7-2013), NLĐ sẽ nắm rõ hơn những quyền lợi mà họ được hưởng và DN sẽ khó lòng làm trái quy định.

Để ràng buộc hơn cho DN CTLĐ, quy định nêu rõ, DN phải ký quỹ là 2 tỷ đồng mới được cấp giấy phép hoạt động. Sự ràng buộc này nhằm đưa hoạt động CTLĐ vào quy củ, loại bỏ hiện tượng các DN hoạt động nhỏ lẻ, tránh được những phiền phức cho NLĐ và DN đi thuê lại lao động. Với DN nước ngoài liên doanh, liên kết với DN trong nước, phải có vốn và tổng giá trị tài sản từ 10 tỷ đồng trở lên; đã có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực CTLĐ từ 5 năm trở lên. Tiếp đó, các DN cho thuê bị nghiêm cấm thực hiện các hoạt động sau: Trả tiền lương và chế độ khác cho NLĐ thuê lại thấp hơn so với nội dung đã thỏa thuận với bên CTLĐ; cho DN khác mượn hoặc mượn giấy phép hoạt động CTLĐ để hoạt động CTLĐ; thu phí đối với NLĐ thuê lại hoặc thực hiện việc cho thuê lại mà không có sự đồng ý của NLĐ; CTLĐ không thuộc danh mục công việc được thực hiện CTLĐ hoặc CTLĐ vượt quá thời hạn cho thuê theo quy định; thực hiện hoạt động CTLĐ giữa DN cho thuê với DN khác trong công ty mẹ - công ty con, tập đoàn kinh tế mà DN cho thuê này là DN thành viên.

Theo ông Yoon Youngmo, Cố vấn trưởng Quan hệ lao động (Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam) cho biết, quy định mới trong nghị định sẽ đưa ra những tiêu chí và hướng dẫn rõ ràng cho việc thành lập và điều hành các DN kinh doanh CTLĐ cũng như quyền và nghĩa vụ của người thuê, sử dụng lao động và của NLĐ. Tuy nhiên, ông Yoon Youngmo cũng cho rằng, cần rút kinh nghiệm ở nhiều nước Châu Á khác là NLĐ được cho thuê phải nhận mức lương thấp hơn nhiều so với lao động trực tiếp làm cùng một ngành nghề, chịu thiệt khi điều kiện làm việc chưa tốt hoặc bị phân biệt đối xử… Điều này là không thể tránh khỏi trong điều kiện ở Việt Nam còn thiếu và yếu lực lượng thanh tra và bộ phận thực thi Luật Lao động còn hạn chế.

Kim Vũ