Cần cụ thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong phòng cháy, chữa cháy
Chính trị - Ngày đăng : 06:02, 13/06/2013
Theo các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), qua 10 năm thực hiện, đến nay, việc sửa đổi Luật PCCC hiện hành là cần thiết, nhằm góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân với công tác PCCC và phòng chống cháy, nổ; bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC với từng loại hình, công trình; củng cố và nâng cao trách nhiệm, năng lực của lực lượng PCCC; làm rõ các quy chuẩn, kiểm tra, xử lý vi phạm trong PCCC…
Các ĐBQH cho rằng, định hướng sửa luật nên tập trung vào 3 nội dung chính là: Tăng cường trách nhiệm cơ quan, tổ chức và hộ gia đình; quan tâm xây dựng các lực lượng PCCC, trong đó có lực lượng chuyên trách; tăng cường đầu tư các trang thiết bị PCCC. Đồng thời, phạm vi sửa đổi của dự luật cần bao quát hơn, bổ sung những quy định trong thực tế còn bất cập, nhất là về công tác cứu hộ, cứu nạn, chính sách với các lực lượng khi thực thi nhiệm vụ PCCC. Trong những vấn đề trên, các ĐBQH đặc biệt quan tâm đến việc cụ thể hóa trách nhiệm người đứng đầu. Như nhận xét của một số đại biểu, luật hiện hành có các quy định về trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị nhưng quá chung chung nên việc quy trách nhiệm rất khó. Vì vậy, luật sửa đổi phải cụ thể hóa các quy định đối với người đứng đầu thì công tác PCCC mới đạt hiệu quả, các điều kiện bảo đảm an toàn PCCC mới được duy trì.
Sáng cùng ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống khủng bố và thảo luận về việc đàm phán ký kết thỏa thuận cấp Chính phủ giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Lào. Đáng chú ý, Luật Phòng, chống khủng bố được thông qua gồm có 8 chương, 51 điều và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-10-2013. Luật giao Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia. Thành viên Ban chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, trong đó, Bộ Công an là cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo và có cơ quan tham mưu, giúp việc chuyên trách.
Chiều 12-6, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền đã báo cáo Quốc hội kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Theo đó, trong 1.487 kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân loại gửi 160 kiến nghị tới các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 1.309 kiến nghị gửi đến Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan, tổ chức khác của Trung ương; 13 kiến nghị gửi đến TAND Tối cao và 5 kiến nghị gửi đến Viện KSND Tối cao.
Mặc dù các cơ quan nêu trên đã xem xét 100% kiến nghị của cử tri, nhưng có một số nội dung liên quan đến kinh doanh xăng dầu; miễn giảm học phí và sử dụng đất nông, lâm trường… còn chậm được bộ, ngành chủ quản nghiên cứu, xem xét nên nhiều ĐBQH thiếu cơ sở trả lời cử tri.
Tiếp đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn. Phó Thủ tướng khẳng định, trong 22 vấn đề bất cập, được nhiều ĐBQH quan tâm chất vấn tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII, Chính phủ đã đưa ra khá nhiều giải pháp khắc phục, đạt hiệu quả cao. Do đó, tồn kho của một số loại hàng những tháng đầu năm 2013 đã giảm so với cuối năm 2012.
Trong lĩnh vực xây dựng, để giải quyết tình trạng "đóng băng" thị trường bất động sản, Chính phủ đã chuyển đổi 58 dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô 33 nghìn căn hộ. Cùng với đó, thực hiện thí điểm chuyển đổi dự án nhà ở để bán sang nhà ở cho thuê; mở rộng đối tượng và điều kiện mua nhà ở đối với người Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức và cá nhân nước ngoài tại Việt Nam... Về quản lý thị trường vàng, Chính phủ đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước triển khai các biện pháp sắp xếp tổ chức lại thị trường vàng, hoàn thiện thể chế và vận hành cơ chế can thiệp bình ổn thị trường vàng. Đến nay, số dư huy động, cho vay bằng vàng của các tổ chức tín dụng đã giảm đáng kể. Tính tới cuối tháng 5-2013, số dư huy động vàng của các tổ chức tín dụng đã giảm khoảng 75%, số dư cho vay vàng đã giảm khoảng 40% so với cuối năm 2012.