Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong PCCC
Chính trị - Ngày đăng : 09:26, 12/06/2013
Theo các đại biểu Quốc hội, qua 10 năm thực hiện, đến nay, việc sửa đổi luật PCCC hiện hành là cần thiết, nhằm góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân với công tác PCCC và phòng chống cháy, nổ; đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC với từng loại hình, công trình; củng cố và nâng cao trách nhiệm, năng lực của lực lượng PCCC; làm rõ các quy chuẩn, kiểm tra, xử lý vi phạm trong PCCC….
Quan tâm đến vấn đề cứu hộ, cứu nạn, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, dự luật sửa đổi mới chú ý tới vấn đề PCCC mà chưa đề cập đến công tác cứu hộ, cứu nạn, trong khi đây là một nhiệm vụ quan trọng khi có tai nạn xảy ra. Vì vậy, theo ông, cần phải nâng tính pháp lý của công tác này trong luật.
Ông cũng đề nghị, luật cần sửa đổi theo hướng nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và trách nhiệm của lực lượng PCCC.
“Báo cáo 10 năm của Chính phủ không thỏa mãn lắm, chủ yếu nói đến thành tích mà chưa đánh giá hết hạn chế của lực lượng này. Yêu cầu sửa đổi luật cũng không nói đến việc nâng cao trách nhiệm của lực lượng PCCC”, đại biểu Phương nhận xét.
Cùng với nâng cao trách nhiệm của lực lượng PCCC, theo đại biểu Phương, dự luật nên bổ sung các quy định về đầu tư trang thiết bị phù hợp cho lực lượng này, quy định rõ cấp nào có xe PCCC ở tình trạng hiện đại...
Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) cho rằng, định hướng sửa luật sau 10 năm nên tập trung vào 3 nội dung chính: tăng cường trách nhiệm cơ quan, tổ chức và hộ gia đình; quan tâm xây dựng các lực lượng PCCC, trong đó có lực lượng chuyên trách; tăng cường đầu tư các trang thiết bị PCCC.
“Nếu chúng ta chỉ sửa đổi bổ sung một số điều như dự luật được trình thì Ban soạn thảo nên tập trung hoàn chỉnh và thông qua ngay tại kỳ họp này, trong điều kiện cấp thiết hiện nay, chứ kéo dài đến năm 2014 mới có hiệu lực thi hành thì quá lâu”, đại biểu Thực đề xuất thêm.
Vấn đề cụ thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, sở, ngành… cũng là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến.
“Luật hiện hành có các quy định về trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị nhưng quá chung chung nên việc quy trách nhiệm rất khó”, đại biểu Nguyễn Anh Sơn – Nam Định nhận xét.
Theo đại biểu Sơn và các đại biểu Lưu Thị Huyền – Ninh Bình; Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Hà Nội, nếu người đứng đầu các cơ quan, cơ sở chịu trách nhiệm thì công tác PCCC mới đạt hiệu quả, các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC mới được duy trì.
Liên quan đến trách nhiệm của các hộ gia đình trong việc PCCC tại gia đình và tại nơi cư trú, các đại biểu đề nghị nêu cụ thể trong luật các điều kiện hộ gia đình cần chuẩn bị cho công tác PCCC.
Góp ý về khía cạnh đảm bảo an toàn PCCC, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho biết, các quy định của dự luật chưa thật sự đủ mạnh để khắc phục và hạn chế phòng chống cháy, nổ.
“Thực tiễn các vụ cháy gần đây cho thấy, các cây xăng, các cơ sở dễ cháy nổ nếu đặt gần khu dân cư thì khi hỏa hoạn xảy ra sẽ rất nguy hiểm. Theo tôi, luật nên bổ sung khoảng cách an toàn khi cho phép các cơ sở này kinh doanh”, đại biểu Khánh nói.
Tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan hoàn chỉnh dự thảo luật và gửi đến các đoàn đại biểu xin ý kiến, tiếp tục hoàn chỉnh và trình tại kỳ họp tới.