Quản lý di tích: Nhận thức lại để tìm mô hình phù hợp
Xã hội - Ngày đăng : 05:45, 12/06/2013
Mỗi nơi một kiểu
Không thể phủ nhận những kết quả đạt được trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích hiện nay song nhìn chung, công tác QLDT vẫn còn nhiều vấn đề bất cập. Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Đặng Thị Bích Liên chỉ rõ: "Một số nơi vẫn còn tình trạng vi phạm Luật Di sản văn hóa, việc cắm mốc giới, xây dựng mô hình QLDT chưa có sự thống nhất; người QLDT và các cấp chính quyền ở một số nơi chưa tìm được tiếng nói chung...". Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là: việc ban hành các văn bản luật và dưới luật về di tích chưa sát thực, cần được bổ sung, hoàn thiện; ý thức chấp hành pháp luật kém, lại thêm tư tưởng muốn di tích to hơn, khang trang hơn nên một số nơi đã không tuân thủ nghiêm ngặt yếu tố gốc của di tích khi thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo. Đáng nói hơn, bộ máy QLDT còn chồng chéo về chức năng, chưa rõ ràng trong phân cấp nên khi sai phạm xảy ra rất khó quy trách nhiệm.
Xây dựng mô hình quản lý di tích thống nhất trên phạm vi cả nước đang là đòi hỏi bức thiết. Ảnh: Khôi Ngô |
Trưởng phòng Quản lý di tích (Sở VH,TT&DL Hà Tĩnh) Nguyễn Thị Vân đã nêu ví dụ minh chứng nhận định trên. Ở Hà Tĩnh, hiện tồn tại rất nhiều mô hình QLDT, có nơi Ban QLDT trực thuộc Sở VH,TT&DL, có nơi nằm trong UBND huyện, thị xã, nơi do UBND xã quản lý, nơi lại giao cho cá nhân, gia đình. Mô hình giao khoán di tích cho cá nhân, gia đình quản lý từng phù hợp với thời di tích chưa nổi tiếng nhưng hiện nay những di tích được quản lý theo mô hình này đang là điểm nóng ở Hà Tĩnh. Số tiền thu được từ hoạt động tại di tích được nộp vào ngân sách xã, xã dùng số tiền đó đầu tư cho các công trình khác chứ không tái đầu tư cho di tích. Khi Sở VH,TT&DL Hà Tĩnh có kế hoạch thay đổi bằng mô hình quản lý khác liền vấp phải sự phản ứng quyết liệt của các gia đình được giao trông nom bởi suốt một thời gian dài, họ "hiểu" di tích là của gia đình họ. "Đứng về mặt quản lý nhà nước, giao di tích cho gia đình quản lý là không đúng nhưng trên thực tế, nhiều di tích giữ được đến ngày nay có công không nhỏ của các gia đình được giao trông nom. Việc tìm ra mô hình QLDT sao cho hài hòa lợi ích giữa nhà nước và người dân, giữa bảo tồn và phát triển ở Hà Tĩnh vì thế mà rơi vào bế tắc" - bà Nguyễn Thị Vân phản ánh.
Tương tự, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội Trương Minh Tiến cho hay: "Di tích ở Hà Nội đa dạng về chủng loại, phong phú về loại hình, trong đó có nhiều di tích nổi tiếng. Vì vậy, UBND TP Hà Nội đã có quyết định phân cấp quản lý đối với di tích giai đoạn 2011-2015, theo đó Sở quản lý 10 di tích, Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa- Thành cổ Hà Nội quản lý Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long và di tích Cổ Loa, số còn lại do các quận, huyện, thị xã quản lý. Các ban QLDT hoạt động tương đối độc lập, ít có liên hệ chuyên môn, ít báo cáo". Còn tại Bạc Liêu, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Phạm Văn Tắc cho biết, bảo tàng được giao nhiệm vụ quản lý bảo tàng và QLDT. Nhưng bảo tàng chỉ quản lý di tích quốc gia, còn di tích cấp tỉnh hoặc di tích chưa xếp hạng giao cho ban trụ trì di tích. Quản lý kiêm nhiệm nên hiệu quả công tác chưa được như mong muốn.
Tham khảo mô hình của UNESCO
Trước thực trạng trên, bà Nguyễn Thị Vân kiến nghị Bộ VH,TT&DL nên xây dựng mô hình QLDT chung. Cụ thể, đối với di tích đặc biệt thì ban QLDT trực thuộc tỉnh, thành phố; di tích quốc gia gắn với sự kiện quan trọng thì ban QLDT thuộc Sở VH,TT&DL; di tích quốc gia gắn với du lịch thì ban quản lý thuộc huyện, thị xã; còn các di tích cấp tỉnh, thành phố thì thành lập ban QLDT cấp xã.
Dưới góc nhìn khoa học, GS Trần Lâm Biền cho rằng, không dùng trí tuệ để bảo tồn di tích thì không có cách nào quản lý triệt để được. Đồng tình quan điểm này, PGS. TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam nhấn mạnh, khi công nhận một di tích, UNESCO yêu cầu di tích đó phải nhất thể hóa, phải thống nhất các kế hoạch quản lý, phải có chương trình hành động, quy hoạch bảo tồn, có báo cáo hằng năm...
Mô hình quản lý của UNESCO được xây dựng trên cơ sở khảo sát ở hàng trăm quốc gia, vì thế chúng ta nên nghiên cứu, học hỏi. Công tác quản lý các di sản thế giới ở Việt Nam nên học theo mô hình của UNESCO, các di tích quốc gia có ý nghĩa đặc biệt thì do Sở VH,TT&DL hoặc thuộc UBND các tỉnh, thành phố quản lý, còn di tích làng xã nên để cộng đồng quản lý. "Lâu nay, nói đến đầu tư kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích, chúng ta vẫn nghĩ đó là đầu tư cho văn hóa. Thực tế đã chứng minh, đầu tư cho di sản không những góp phần giữ bản sắc văn hóa mà còn là sự đầu tư cho nhiều ngành khác, trong đó có du lịch. Đã đến lúc chúng ta cần nhận thức lại và cùng tìm ra mô hình QLDT phù hợp nhất" - PGS Đặng Văn Bài nói.