Cựu điệp viên Mỹ tiết lộ bí mật "mất tích" ở HongKong
Thế giới - Ngày đăng : 14:28, 11/06/2013
Tin cho hay Snowden, 29 tuổi, tới HongKong hôm 20-5. Song có nguồn tin cho là nhân vật này đã rời khỏi khách sạn vào thứ hai (10-6). Hiện không ai biết anh này đang ở đâu, dù vẫn có một số thông tin đồ rằng Snowden còn ở HongKong. Theo quy định, công dân Mỹ có thể được miễn thị thực nhập cảnh HongKong trong thời hạn 90 ngày.
Nhiều nguồn tin cho rằng Edward Snowden vẫn còn ở Hong Kong. Ảnh: AFP |
Tuần trước, dư luận đã như bị sôi lên khi xuất hiện thông tin rằng các cơ quan của Mỹ đang thu thập hàng triệu băng ghi âm các cuộc nói chuyện điện thoại cũng như theo dõi dữ liệu trên internet.
Người phát ngôn của Văn phòng Giám đốc cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ cho biết, hồ sơ vụ việc đã được chuyển lên Bộ Tư pháp Mỹ như một vụ án hình sự. Trong khi đó, một lá đơn được đăng tải trên website của Nhà Trắng với nội dung kêu gọi tha tội cho Snowden đã thu được hơn 30.000 chữ ký.
Trước đó, trên tờ báo Guardian của Anh, Edward Snowden xác nhận mình chính là nguồn tiết lộ thông tin về hệ thống nghe lén.
Nhật báo Guardian của Anh ngày 9-6 đưa tin, Edward Snowden là cựu kỹ thuật viên CIA và hiện là nhân viên của nhà thầu quân sự Booz Allen Hamilton, đã được xác định là nguồn rò rỉ thông tin về chương trình theo dõi điện thoại và Internet của Chính phủ Mỹ.
Thông tin rò rỉ đầu tiên xuất hiện vào tối 4-6, khi một tòa án bí mật của Mỹ yêu cầu công ty điện thoại Verizon cung cấp cho Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) hàng triệu dữ liệu các cuộc gọi. Các dữ liệu này bao gồm số điện thoại của bên gọi và bên nhận, thời lượng cuộc gọi, ngày, giờ, địa điểm cuộc gọi.
Hai tờ báo Washington Post và The Guardian cho hay, NSA đã trực tiếp tác động vào máy chủ của 9 công ty Internet, trong đó có Facebook, Google, Microsoft và Yahoo, để theo dõi những cuộc liên lạc trực tuyến dưới một chương trình có tên gọi là Prism được lập trình vào năm 2007 nhằm để theo dõi sâu các cuộc trao đổi trên mạng và lưu trữ thông tin về người nước ngoài.
Prism được cho là giúp NSA và Cục Điều tra Liên bang (FBI) xâm nhập vào các thư điện tử, nội dung chat và các hình thức liên lạc khác trực tiếp trên máy chủ của các nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn nhất của Mỹ. Chính phủ Mỹ cũng dùng cách thức tương tự để theo dõi những đối tượng người nước ngoài bị tình nghi là khủng bố hay gián điệp. NSA cũng thu thập dữ liệu cuộc gọi của các công dân Mỹ nhưng không thu âm cuộc họp.
Tất cả các công ty Internet nói trên bác bỏ việc cho phép Chính phủ Mỹ xâm nhập vào máy chủ của họ.
Tờ The Guardian cho biết, trong khi đang lưu trú ở Hong Kong, Snowden nói với báo giới: NSA đã lập ra một hệ thống hạ tầng cho phép họ có thể chặn lọc bất kỳ thông tin gì. Với khả năng này, đại đa số các cuộc liên lạc trên thế giới có thể bị nghe lén... Động cơ duy nhất của tôi là nói với người dân rằng tên tuổi của họ đang được sử dụng như thế nào, và hành động gì đang chống lại họ.
Ngày 8-6, Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper đã gọi vụ rò rỉ là “đau đến thắt ruột theo đúng nghĩa đen”, và “gây tổn hại to lớn cũng như ảnh hưởng đến an ninh và an toàn của đất nước”.
Ngoại trưởng Anh William Hague đã hủy chuyến đi Washington để ra điều trần trước Quốc hội Anh hôm thứ hai, tại đó ông bác bỏ các cáo buộc.
Các vụ rò rỉ thông tin chấn động thế giới Năm 1971: Trong vụ Watergate, Bob Woodward và Carl Bernstein hé mở quy mô của việc giấu giếm vụ đột nhập tại đại bản doanh của đảng Dân chủ. Năm 1986: Giáo sỹ Iran phát giác việc Mỹ bán vũ khí trái phép cho Iran, tiền thu được dùng để tài trợ cho phe ly khai ở Nicaragua. Năm 2003: Vụ bà Valerie Plame Wilson là một trong những nhân vật bị tình nghi làm gián điệp cho CIA Năm 2004: Các hình ảnh quân Mỹ ngược đãi tù nhân tại nhà tù ở Iraq đã châm ngòi cho vụ bê bối lớn. Năm 2010: Quân nhân Bradley Manning đã tải hàng nghìn tài liệu mật từ các máy chủ của quân đội Mỹ và chuyển cho trang Wikileaks. |