Đừng biến bảo tồn làng cổ thành bảo tồn nhà cổ
Xã hội - Ngày đăng : 07:41, 11/06/2013
Đình Mông Phụ. Ảnh: Quang Hiếu. |
PGS.TS Phạm Hùng Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng, người đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về làng cổ Đường Lâm nêu ý kiến trong cuộc Hội thảo gần đây để cùng chung tay bảo vệ Làng cổ Đường Lâm.
Bảo tồn hài hòa với lợi ích người dân
Theo ông Cường, hiện tại, các ngành, các cấp đang tìm kiếm những giải pháp để bảo vệ Làng cổ, trong đó, có những ý kiến cho rằng có thể cho phép xây dựng nhà 2 tầng trong khu vực thôn Mông Phụ (thuộc khu bảo tồn vùng 1), xây nhà 3 tầng trong khu vực vùng 2, chỉ bảo tồn các ngôi nhà cổ như là một giải pháp, một cơ chế bảo tồn đặc thù.
Nếu vậy thì theo ông rất đáng lo ngại, những ngôi nhà cổ dù có được bảo tồn nhưng xung quanh là những ngôi nhà 2, 3 tầng mới xây thì câu chuyện bảo tồn không còn mấy giá trị. Chỉ cần đồng ý cho xây dựng nhà 2, 3 tầng thì chỉ 2 năm sau, làng cổ sẽ không khác gì các làng xã hội nội đô Hà Nội hiện nay.
Vì vậy cần các giải pháp phù hợp để tôn tạo các ngôi nhà cũ, xây nhà giãn dân cho những người đang ở trong nhà cổ, tìm các sản phẩm dịch vụ phù hợp để người dân được hưởng lợi từ du lịch, khi đó người dân sẽ nhận thức được giá trị của di sản và tích cực gìn giữ, bảo vệ di sản cha ông để lại.
Theo ông Cường, Đường Lâm có 6 giá trị quý giá cần được bảo tồn. Trong đó, giá trị tiêu biểu của làng là về mặt cấu trúc quy hoạch và không gian của một làng truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ. Việc bảo tồn Đường Lâm không chỉ là bảo tồn di tích mà là bảo tồn các giá trị đặc trưng của một mô hình cư trú điểm dân cư nông thôn truyền thống vẫn đang tồn tại và phát triển, vì vậy có thể ví như một cơ thể sống.
Các kế hoạch bảo tồn phải đảm bảo mục tiêu duy trì và nâng cao đời sống kinh tế xã hội của người dân địa phương. Bảo tồn không gian của làng truyền thống ở đây cần chú ý trọng tâm là thôn Mông Phụ với không gian cổng làng, khu vực đình, không gian ngõ xóm, giếng cổ.
Cũng theo ông, để thực hiện được công tác quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ Đường Lâm thì sự tham gia của cộng đồng là một trong những giải pháp quan trọng để tạo sự đồng thuận.
Phải làm rõ những lợi ích mà người dân được hưởng cũng như trách nhiệm giữ gìn các di tích đối với từng loại đối tượng: Những chủ hộ có di tích nhà cổ, những chủ hộ không có di tích nhưng muốn tham gia hoạt động dịch vụ… Tránh tình trạng những hộ có nhà cổ phải giữ gìn di tích nhưng lợi ích được ít, các hộ không có di tích nhưng tham gia làm dịch vụ lại được hưởng nhiều.
Theo ông, do nhu cầu cuộc sống, những ngôi nhà 2, 3 tầng nếu không được kiểm soát chặt chẽ vẫn có thể được xây dựng ngay trong khu vực bảo tồn 1 thôn Mông Phụ, đi liền với đó là xu hướng mở cửa ra mặt đường làm dịch vụ khiến cảnh quan làng cổ dễ bị phá hoại. Vì vậy, ngoài việc quản lý bằng các quy định quản lý xây dựng, cần hướng dẫn người dân tổ chức làm dịch vụ trong nhà hoặc giải pháp không làm ảnh hưởng đến kiến trúc cảnh quan chung. Việc bảo tồn theo kiểu làm mới lại di tích, bảo tồn tự phát sẽ không theo đúng trình tự khoa học
Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm đồng đều đến các khu vực tuy có các chính sách điều tiết, đầu tư khác nhau. Nếu chỉ tập trung một khu vực có thể dẫn đến khả năng các khu vực xung quanh biến đổi tự phát nhanh do không được đầu tư đúng hướng.
Ông Cường cũng cho rằng, thành phố cần có sự quan tâm kiểm soát các dự án phát triển các khu vực xung quanh, khu vực đệm để đảm bảo sự phát triển đó không tác động tiêu cực đến làng cổ cả về cảnh quan và các yếu tố văn hóa xã hội khác. Đặc biệt là lối vào thôn Mông Phụ với cảnh quan đồng ruộng giáp sông Tích là một phần cảnh quan quan trọng tạo nên hình ảnh đồng ruộng của làng quê truyền thống.