“Ngọn gió hoang”: Ghi chép của một nhà báo

Văn hóa - Ngày đăng : 06:37, 11/06/2013

(HNM) - Nhà báo Vũ Đình Quý cho ra mắt cuốn sách


Vũ Đình Quý đã tập hợp những ghi chép, phóng sự… anh vừa hoàn thành vào một cuốn sách. Chúng còn phảng phất mùi hương của đất, đá và hoa rừng, có tiếng rì rầm lay động của thác đổ, gió ngàn, lãng đãng của mây trời, mặn mòi của biển cả... "Ngọn gió hoang" còn có những bài đã đăng trên các báo, nhưng được chọn lọc, bổ sung những điều độc giả góp ý.

Nhà báo Vũ Đình Quý và vợ .


Những trang sách sẽ đưa người đọc từ đỉnh cao Lũng Cú (Hà Giang) đến tận cùng đất nước - mũi Cà Mau; từ đại ngàn Tây Nguyên đến biển xanh cát trắng của đảo Phú Quốc. Độc giả còn được khám phá những di tích lịch sử của Hoàng thành Thăng Long, phố cổ Hà Nội, Hội An, cao nguyên đá Đồng Văn đến các kỳ quan đình, chùa, miếu mạo, hoàng cung. Không những đi khắp dọc dài đất nước, tác giả còn cung cấp kiến thức về những công trình nổi tiếng của thế giới mà anh đã từng qua như Thạt Luổng ở Lào, Angkor ở Campuchia, Hoàng cung tại Thái Lan, Vạn lý trường thành của Trung Quốc, làng nổi ở Brunei... Đọc "Ngọn gió hoang" còn biết đến một phần phong tục, tập quán, thói quen cũng như văn hóa ẩm thực của mỗi tộc người ở nhiều vùng miền.

Viết bất cứ về mảnh đất nào nhà báo Vũ Đình Quý cũng mô tả được mảnh đất mình đã đến với những cảnh sắc thiên nhiên, đất trời, đồng thời truyền được cảm xúc để làm cho người đọc yêu đất ấy như chính mình đang yêu. Hơn thế, bằng tất cả nguồn tư liệu đọc được, thấy được, hỏi chuyện và nghe được, anh cung cấp cho người đọc hiểu hơn về một vùng đất trên nhiều phương diện lịch sử, địa lý và văn hóa.

Nhà báo Vũ Đình Quý là một người con của Hà Nội, nhưng anh đã xa quê hương mấy chục năm nay. Bởi thế, trong "Ngọn gió hoang", anh dành nhiều trang viết về mảnh đất ấy. Đó là những ghi chép về việc "Giữ hồn phố cổ", "Giữ chuẩn mực, nền nếp gia đình" của những người Hà Nội ở phương Nam; là những trang viết gợi nhiều kỷ niệm xưa cũ, về lịch sử Hà Nội, về những con đường, về con phố cổ với hàng quán, món ăn… trong ký ức giờ đã thay đổi thế nào. Anh cũng viết về những người xa Hà Nội như anh, luôn nhớ thương mảnh đất ấy và đã làm gì để khỏa lấp. Mỗi bài ghi chép, phóng sự không chỉ nói thay tâm trạng của nhà báo mà còn đủ sức lôi cuốn, thôi thúc những người xa xứ về lại và về nhiều hơn với Hà Nội.

Cuốn sách có tên "Ngọn gió hoang" bởi tác giả cho rằng, phóng viên như "ngọn gió hoang", len lỏi khắp mọi nơi, khi vi vu, lúc tà tà, khi ồn ào, dữ dội, lúc phất phơ, lãng đãng, khi âm thầm, trầm tư, quyết đoán. Như thế mới có nhiều tin, bài, phóng sự… hay, hấp dẫn; phản ánh kịp thời những sự kiện nóng bỏng trong cuộc sống sôi động hằng ngày của xã hội. "Ngọn gió hoang" là cuốn sách mang đậm nét báo chí, nhưng nhẹ nhàng, sinh động, duyên dáng làm người đọc thấy thú vị.

Hưng Vân