Thị trường có bị thao túng?
Kinh tế - Ngày đăng : 06:25, 11/06/2013
Đại diện một số DN kinh doanh thép không gỉ cho biết, nếu biện pháp CBPG được áp dụng, DN sẽ thêm phần khó khăn trong giai đoạn kinh tế suy thoái hiện nay. Người tiêu dùng trong nước sẽ thiệt thòi vì giá nhiều sản phẩm bị đội lên do thuế suất thuế nhập khẩu thép tăng cao.
Doanh nghiệp và người tiêu dùng chịu thiệt
Ngày 27-5, trang thông tin của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết đã tiếp nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ của Công ty TNHH Posco VST và Công ty CP Hòa Bình Inox, yêu cầu điều tra và áp dụng biện pháp CBPG đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội được nhập khẩu vào Việt Nam từ Malaysia, Indonesia, Đài Loan (Trung Quốc). Theo quy định tại khoản 4 Điều 10 của Pháp lệnh 20/2004/PL-UBTVQH11 về việc CBPG với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Công thương sẽ ra quyết định có hay không khởi xướng điều tra vụ việc.
Sản xuất các mặt hàng thép không gỉ tại Công ty TNHH thương mại Việt Na. |
Nhận xét về vụ việc nêu trên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trên thị trường thép, Công ty Posco VST và Công ty CP Hòa Bình Inox đang chiếm gần 80% thị phần. Nếu quyết định áp dụng CBPG đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ những nơi nêu trên, việc lạm dụng vị thế độc quyền, đẩy giá thép lên cao có khả năng xảy ra. Điều này đã từng xảy ra với nhiều mặt hàng không có sự cạnh tranh ngang bằng. Khi đó, phần thiệt thòi sẽ nghiêng về phía người tiêu dùng do giá bán sản phẩm bị đẩy lên cao.
Đại diện một DN sản xuất thép không gỉ nêu ý kiến, Posco VST mới vào thị trường Việt Nam 3 năm trở lại đây, nhưng đã liên tục kiến nghị tăng thuế suất thuế nhập khẩu với mặt hàng thép không gỉ từ 0% lên 5% và nay là 10%. Trên thực tế, giá bán thép không gỉ của Posco VST đã cao hơn giá thị trường, nếu thuế suất CBPG được áp dụng kèm theo thị phần áp đảo của DN này, giá bán sẽ có nguy cơ tăng cao hơn. Lúc đó, thay vì có thể mua nguyên liệu theo giá thế giới, DN trong nước chỉ có lựa chọn duy nhất là mua thép của Posco VST tại thị trường nội địa với mức giá do họ quyết định. Giá đầu vào bị đẩy lên, sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng buộc phải tăng giá, làm giảm tính cạnh tranh của DN và sản phẩm. Như vậy, đề xuất áp thuế CBPG với thép không gỉ nhập khẩu từ một số quốc gia dường như chỉ có lợi với một vài DN.
Chờ phán quyết công bằng
Trước yêu cầu của Công ty TNHH Posco VST và Công ty CP Hòa Bình Inox, các DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm từ thép không gỉ đã có đơn kiến nghị gửi Vụ Chính sách thuế, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) và Vụ Xuất nhập khẩu, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương). Theo các DN, mặt hàng này (gồm các mã hàng có series 200, 300, 400) hiện được nhập khẩu từ nhiều quốc gia như: Phần Lan, Đức, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc… nhằm sản xuất sản phẩm dân dụng, công nghiệp và an ninh quốc phòng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như xuất khẩu. Nếu đề xuất nêu trên được chấp thuận, DN sản xuất, nhập khẩu khác sẽ khó khăn trong việc tiếp cận nguồn nguyên liệu. Nhiều khả năng sẽ dẫn tới tình trạng độc quyền nhóm trong sản xuất sản phẩm thép không gỉ cán nguội do nguyên liệu chưa sản xuất được tại Việt Nam. DN sản xuất hàng xuất khẩu sử dụng thép này cũng có nguy cơ bị thua lỗ lớn do đã ký hợp đồng khung nhận hàng với sản lượng lớn với bạn hàng nước ngoài.
Theo các chuyên gia kinh tế, nếu căn cứ vào luật CBPG và nhìn nhận sự việc này dưới nhiều góc độ khách quan, một hành vi được coi là bán phá giá vào thị trường nước ngoài khi nó làm giảm khả năng cạnh tranh về giá và thị phần của sản phẩm nội địa của nước nhập khẩu. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, bán phá giá lại có thể tạo ra những tác động tích cực đối với nền kinh tế như việc người tiêu dùng được lợi vì có thể mua được hàng với giá rẻ hơn. Bên cạnh đó, nếu hàng bị bán phá giá là nguyên liệu đầu vào của một ngành sản xuất khác, giá nguyên liệu rẻ có thể sẽ là yếu tố góp phần tạo nên sự tăng trưởng nhất định của ngành đó. Giá thành giảm sẽ là động lực thúc đẩy ngành sản xuất trong nước tự đổi mới để nâng cao sức cạnh tranh. Vì thế không phải mọi hành vi bán phá giá đều bị lên án và phải chịu thuế chống bán phá giá. Đặc biệt, theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), biện pháp CBPG chỉ được thực hiện trong những hoàn cảnh nhất định và phải đáp ứng các điều kiện cụ thể.
Đại diện các DN sản xuất các sản phẩm từ thép không gỉ đang nóng lòng chờ đợi phán quyết công bằng của cơ quan chức năng nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của DN và người tiêu dùng. Việc làm này góp phần phát triển thị trường trong nước theo hướng cạnh tranh lành mạnh, minh bạch theo đúng thông lệ và cam kết quốc tế.