Tháo ngòi nổ trên bán đảo Triều Tiên

Thế giới - Ngày đăng : 06:22, 11/06/2013

(HNM) - Chưa đầy 24 tiếng nữa, Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ bước vào cuộc đàm phán cấp chính phủ diễn ra trong hai ngày (12 và 13-6) tại thủ đô Seoul nhằm giải quyết những căng thẳng bùng nổ và kéo dài nhiều tháng qua.

Mở cửa trở lại KCN Kaesong là nội dung ưu tiên trong cuộc đàm phán cấp cao liên Triều sắp tới.



Thỏa thuận mới nhất này vừa được hai bên nhất trí sau cuộc gặp cấp chuyên viên liên Triều tại làng đình chiến Panmunjom ngày 9-6. Dù còn quá sớm để dự báo một tương lai ổn định trong quan hệ liên Triều nhưng kết quả cuộc đàm phán cấp chuyên viên lần đầu tiên giữa hai nước trong hơn hai năm qua đạt được bước đi mới đang dấy lên hy vọng tháo ngòi nổ ở Bán đảo Triều Tiên. Theo thỏa thuận mới nhất, phái đoàn mỗi nước tham gia đàm phán cấp chính phủ sẽ gồm 5 thành viên. Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Ryoo Kihl-jae sẽ dẫn đầu phái đoàn Hàn Quốc tham gia đàm phán, trong khi phái đoàn Triều Tiên do các quan chức cấp bộ dẫn đầu và đến Hàn Quốc bằng đường bộ. Tuy nhiên, Hàn Quốc đề xuất Bình Nhưỡng cử người đứng đầu Ủy ban Mặt trận thống nhất, Bí thư Trung ương đảng Lao động Triều Tiên Kim Yang-gon làm Trưởng đoàn tham gia cuộc đàm phán quan trọng này.

Cuộc đàm phán cấp chính phủ đầu tiên giữa hai miền Triều Tiên trong 6 năm qua sẽ tập trung thảo luận một loạt vấn đề "nóng" trong quan hệ hai nước hiện nay như mở cửa trở lại Khu công nghiệp liên Triều Kaesong; nối lại các tour du lịch tới núi Kumgang; đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953 và các vấn đề nhân đạo... Cùng với đó, cuộc đàm phán sắp diễn ra cũng thảo luận việc hai miền cùng tổ chức lễ kỷ niệm ngày ra Tuyên bố chung liên Triều (15-6 và 14-7-1972), tăng cường các chuyến thăm phi chính phủ, tiếp xúc và các dự án hợp tác...

Thế giới đã không ít lần chứng kiến sự nóng lạnh bất thường trong quan hệ liên Triều. Thế nhưng, sự kiện Bình Nhưỡng bất ngờ đề nghị Hàn Quốc tiến hành thảo luận một loạt vấn đề - từ thương mại đến nhân đạo, từ mở lại Khu công nghiệp chung Kaesong đến khôi phục hoạt động đoàn tụ các gia đình bị ly tán sau chiến tranh Triều Tiên… - sau một thời gian dài căng thẳng khiến dư luận không khỏi ngạc nhiên. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon xem đây là một diễn tiến đáng khích lệ nhằm hướng tới giảm căng thẳng và thúc đẩy hòa bình, ổn định trên Bán đảo Triều Tiên. Không chỉ Hàn Quốc, Trung Quốc - đồng minh lớn duy nhất của Triều Tiên - cũng đã phản ứng tích cực trước diễn biến mới này khi Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi phát biểu hoan nghênh việc Triều Tiên và Hàn Quốc khôi phục các cuộc tiếp xúc và đối thoại.

Không ít chuyên gia phân tích đặt câu hỏi về quyết định nhanh chóng của Triều Tiên, bởi cuộc đàm phán cấp chuyên viên ngày 9-6 vừa qua chỉ là bước chuẩn bị cho cuộc đàm phán cấp cao sắp diễn ra tại Seoul. Còn quá sớm để khẳng định cuộc đàm phán sắp tới sẽ đem lại kết quả như mong đợi khi các nguồn tin tình báo Mỹ cho rằng Triều Tiên đã đạt bước tiến quan trọng trong việc tái khởi động lò phản ứng hạt nhân Yongbyon chỉ trong 1 đến 2 tháng. Những ảnh chụp từ vệ tinh mới nhất chỉ ra rằng, Triều Tiên có thể đã hoàn thành một hệ thống làm mát có vai trò sống còn để vận hành lò phản ứng trên. Điều đó sẽ cho phép Bình Nhưỡng đẩy nhanh chương trình vũ khí hạt nhân gây nhiều tranh cãi. Dự báo khi đi vào hoạt động, cơ sở này sẽ có thể sản xuất khoảng 6kg plutoni/năm, có thể được sử dụng để sản xuất vũ khí hạt nhân. Song, hiện chưa rõ liệu Triều Tiên đã sở hữu các thanh nhiên liệu mới để cấp điện cho lò phản ứng, bởi nếu thiếu các thanh nhiên liệu sẽ cản trở nỗ lực này.

Cánh cửa đối thoại một lần nữa đã mở trên Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên kết quả cuộc đàm phán sắp diễn ra tại Seoul đi đến đâu còn tùy thuộc rất lớn vào nỗ lực của cả Triều Tiên lẫn Hàn Quốc; trong đó, việc xây dựng lòng tin để từng bước thu hẹp khoảng cách bất đồng từ chính trị đến kinh tế cũng như các vấn đề "kỹ thuật" là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Đình Hiệp