Chung tay xoa dịu nỗi đau
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:13, 11/06/2013
Các bệnh nhân Khoa nhi Bệnh viện K trung ương (cơ sở Tam Hiệp) có đặc điểm chung là em nào đầu cũng trọc lốc vì rụng tóc - dấu hiệu của những đợt sử dụng hóa chất kéo dài để điều trị bệnh ung thư. Tiếp xúc với người lạ, các em rụt rè, ít nói, chỉ ngước những cặp mắt trong veo hấp háy nhìn. Em Nguyễn Thị Oanh (17 tuổi) ở Minh Xuân, Yên Bái, một trong những bệnh nhân lớn tuổi nhất khoa nhi cũng rụt rè như vậy khi kể về hoàn cảnh của mình với chúng tôi. Nhập viện đúng năm đang học lớp 11, phải gác lại bao mơ mộng, hoài bão, bằng nghị lực phi thường, Oanh bước vào cuộc chiến khắc nghiệt khi được bác sĩ chẩn đoán bị K xương (một dấu hiệu căn bệnh ung thư) và phải cưa đứt một chân.
Hoạt động tình nguyện của đoàn viên Báo Hànộimới tại Bệnh viện K và Viện Bỏng quốc gia. |
Oanh kể: "Một ngày thức giấc sau cơn đau triền miên do mới cưa chân, em nhoài người nhổm dậy và bị ngã lăn xuống đất”. Nhưng cô trò nhỏ này không khóc, lặng lẽ bám lấy thành giường nén đau, cố trèo lên do không muốn để bố biết mình vừa bị ngã. Cả ngày hôm đấy, Oanh ngồi tựa lưng trên giường bệnh nhìn xa xăm cố kìm để khỏi bật khóc bao lần vì nghĩ về những ước mơ tuổi thơ nay bị căn bệnh quái ác ngăn trở.
Mấy ngày này, bên cạnh giường bệnh của Oanh có thêm một người bạn học lớp 7 Trường THCS Chiềng Si, huyện Tuần Giáo, Điện Biên. Bạn nhỏ này cũng bị K xương và cưa mất một chân. Phải nghỉ học giữa chừng nên tâm trạng của bạn không ổn định, hay cáu giận và rất ngại giao tiếp. Qua tìm hiểu, Oanh biết bạn Lò Thị Cung (13 tuổi) đã phải giấu bạn bè, thầy cô chuyện bị cưa chân vì bệnh tật để theo ông nội Lò Văn Diên và mẹ Lò Thị Thanh xuống Hà Nội chữa trị bệnh cả năm trời. Đã trải qua tâm trạng hụt hẫng khi thế giới tuổi thơ bị mất, Oanh tìm cách tâm sự, chia sẻ, động viên bạn. Hoàn cảnh đã khiến hai bạn xích lại với nhau trong những ngày điều trị bệnh. Nghị lực đã giúp Oanh đứng vững trên đôi chân tàn tật, em vẫn nuôi ước mơ đến giảng đường, cố theo học để kịp các bạn vào năm cuối cấp 3 của Trường THPT Hoàng Văn Thụ, Lục Yên, Yên Bái và em đã "truyền lửa" vào cuộc sống, vào niềm tin về ngày mai tươi sáng cho người bạn cùng phòng bệnh. Oanh cười tươi rói cho biết, em đã học được yêu thương từ chính những tấm lòng tình nguyện của các anh, các chị hằng ngày vẫn đến thăm nom và giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trong những ngày nằm viện.
Bác sĩ Trần Văn Công, Trưởng Khoa nhi Bệnh viện K cho biết: "Từ năm 2006 trở lại đây, khi Quỹ "Ngày mai tươi sáng" được thành lập nhằm hỗ trợ bệnh nhân ung thư, chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ to lớn của các tổ chức tình nguyện. Không chỉ giúp về vật chất, các hoạt động tình nguyện còn đem lại nghị lực vươn lên chống chọi bệnh tật cho các em". Cũng theo bác sĩ Công, sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân đã phần nào xoa dịu những nỗi đau bệnh tật mà các em đang phải gánh chịu.
Sẻ chia những tấm lòng
Chị Phạm Diễm Hảo, Phó Chánh Văn phòng Quỹ "Ngày mai tươi sáng" cho biết, những hoàn cảnh khó khăn như hai em Nguyễn Thị Oanh và Lò Thị Cung ở Bệnh viện K không hiếm bởi căn bệnh quái ác này không từ một ai. Người có điều kiện đã gặp muôn vàn khó khăn khi chẳng may mắc bệnh, với người bệnh nghèo lại càng chồng chất. Với mong muốn chung tay xoa dịu nỗi đau cho người bệnh, Quỹ "Ngày mai tươi sáng" với hoạt động tình nguyện của mình được biết đến như một địa chỉ mới giúp đỡ bệnh nhân ung thư nghèo. Bằng những hoạt động thiết thực trong chương trình Tháng hành động vì trẻ em năm 2013, Đoàn Thanh niên cơ quan Báo Hànộimới với sự tài trợ của Tập đoàn TH (nhãn hiệu sữa TH True milk) phối hợp với Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư "Ngày mai tươi sáng" đã tặng hơn 200 suất quà trị giá 20 triệu đồng cho 45 bệnh nhi đang điều trị tại Ung bướu trẻ em, Viện K (xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì) và 160 bệnh nhi, bệnh nhân khó khăn đang điều trị tại Viện Bỏng quốc gia (quận Hà Đông). Cũng dịp này, đại diện Công ty Sao Nam (SOECO) đã hỗ trợ các bệnh nhi đang điều trị tại Viện K số tiền 4,5 triệu đồng.
PGS.TS Đại tá Nguyễn Gia Tiến, Giám đốc Viện Bỏng quốc gia khi biết Đoàn thanh niên Báo Hànộimới và nhãn hiệu sữa TH True milk có hoạt động đầy tình nghĩa với các em nhỏ đang điều trị tại đây đã dành một buổi để tiếp đoàn và sẻ chia những trăn trở về hoạt động tình nguyện. Theo bác sĩ Tiến, đa số bệnh nhân bỏng thường có hoàn cảnh khó khăn và việc điều trị bỏng kéo dài, tốn kém thực sự là gánh nặng. Trước mắt, để sẻ chia khó khăn này, bệnh viện đã lập danh sách những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để hỗ trợ bữa ăn hằng ngày cho người bệnh thông qua quỹ do cán bộ, chiến sĩ đóng góp.
Hoàn cảnh của những bệnh nhân nhi đang điều trị tại Viện Bỏng quốc gia hầu hết đều éo le. Theo Đại tá Trương Hoàng Thành, Chủ nhiệm chính trị Viện Bỏng quốc gia, riêng trong năm 2013, đa số các em nhập viện trong tình trạng bỏng điện ở lứa tuổi 13-14 do nghịch dại trèo lên cột điện cao thế bắt tổ chim. Các em đều là người dân tộc sinh sống ở những nơi mà đời sống văn hóa thấp. Các trường hợp khác thường là những người lao động, làm thuê có gia cảnh rất khó khăn. Đại tá Thành cho biết thêm, Viện Bỏng quốc gia từng đón nhận những người bệnh có biểu hiện tâm thần, khi nhập viện không có giấy tờ tùy thân để xác minh nhân thân. Với những ca bệnh này, sau khi điều trị xong bệnh viện phải phối hợp với cơ quan công an tìm tung tích bệnh nhân và tổ chức đưa họ về tận gia đình…
Chúng tôi vẫn nhớ mãi tâm sự của người đứng đầu Viện Bỏng quốc gia, PGS.TS Đại tá Nguyễn Gia Tiến: "Mọi trái tim tình nguyện đều sẽ gặp nhau…". Đại diện Tập đoàn TH khẳng định với lãnh đạo các bệnh viện sẽ cùng phóng viên trẻ Báo Hànộimới tiếp tục quan tâm, đóng góp nhiều hơn, thiết thực hơn cho các hoạt động từ thiện, nhân đạo trong tương lai.