Khoác lên sự lỗi thời những ý niệm mới
Văn hóa - Ngày đăng : 06:59, 10/06/2013
Tranh sơn dầu của Makiko Kudo. |
Phong cách nghệ thuật "Micropop" có lẽ còn quá xa lạ ở Việt Nam nhưng trên thế giới, nó được biết đến là một cách nhìn khác biệt về thế giới bằng việc kết hợp những đổ vỡ với sự lỗi thời hoặc khoác lên những chức năng mới, ý nghĩa mới cho những nơi thân thuộc bằng óc thẩm mỹ, cảm quan sáng tạo của người nghệ sĩ. Tại Nhật Bản, khoảng giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, đã có cuộc khủng hoảng văn hóa cùng với các biến động về thời tiết, suy thoái kinh tế kéo dài khiến nhiều nghệ sĩ trẻ đi theo xu hướng này như một cách an ủi, đồng thời trải nghiệm bản thân. Bằng cách xử lý tinh tế, thêm thắt dù chỉ một điểm "nhỏ", những nghệ sĩ theo đuổi phong cách "Micropop" hoàn toàn có thể đổi mới cảm giác của người xem. Đó phải chăng chính là dụng ý của Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản khi tổ chức triển lãm này tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào giữa mùa hè.
35 tác phẩm của 14 nghệ sĩ trong triển lãm do nhà phê bình nghệ thuật nổi tiếng của Nhật Bản Midori Matsui tuyển chọn. Đây cũng chính là những nghệ sĩ theo đuổi phong cách Micropop tích cực từ nửa sau thập kỷ 90 thế kỷ trước đến nay. Với một ý tưởng chung là chỉ ra điểm khác biệt của thế giới đương đại trong một môi trường sống toàn cầu hóa ngày càng rõ nét, "Khu vườn mùa đông" với những tác phẩm tranh vẽ màu nước, arcrylic, sơn dầu và video art lại không cho người xem cảm giác gay gắt và cực đoan. Nữ họa sĩ Ryoko Aoki với "Ngôi nhà tiểu thuyết" ghép đầy những mảng ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ để xóa tan cảm giác u ám, úa tàn đời thường. Makiko Kudo và Hiroshi Sugito cũng khoác lên hình ảnh hiện thực cuộc sống bằng một ý tưởng bay bổng, nhẹ nhàng. Trong khi đó, Keisuke Yamamoto và Hiroe Saeki thì có lựa chọn đơn giản để đưa ra cách giải quyết nhẹ nhàng trước những rắc rối và ảnh hưởng của toàn cầu hóa… Tác phẩm "Vinyl" của nghệ sĩ Lyota Yaghi, khiến người xem ngỡ ngàng về những sáng tạo trên những đồ vật rất đời thường: Máy nghe đĩa hát làm từ silicone, nước lọc, máy thu âm và tủ lạnh. Khi bật lên, nó phát ra âm thanh dịu dàng, trải rộng không gian tưởng tượng của người xem bằng hình ảnh video về cuộc sống với những thăng hoa.
Phần video art có phong cách nhất tại triển lãm do nghệ sĩ Koki Tanaka thực hiện. Đây cũng là nghệ sĩ Nhật Bản tiêu biểu được lựa chọn để tham gia triển lãm nghệ thuật quốc tế lần thứ 55 tại Italia với tên gọi "La Biennale di Venezia" (từ tháng 6 đến tháng 11 năm nay). Đoạn video "Nguyên nhân và kết quả" ghi lại rất đẹp và nghệ thuật những hình ảnh thường ngày: Quạt, rót nước, mưa, gió… nhưng được gắn thêm những tác động khéo léo từ tưởng tượng khác thường của tác giả làm người xem suy nghĩ thấu đáo hơn về hành động và hậu quả của hành động ấy đến cuộc sống.
Tại Hà Nội, triển lãm mở cửa đến hết ngày 23-6 và diễn ra từ ngày 6 đến 21-7 tại TP Hồ Chí Minh.