Khủng hoảng tại Syria: Lo ngại một kịch bản xấu

Thế giới - Ngày đăng : 06:26, 10/06/2013

(HNM) - Những ngày gần đây, hy vọng về một lối thoát để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria vẫn


Sáng kiến của Nga, Mỹ tổ chức hội nghị quốc tế về Syria lần thứ hai tại Geneva, Thụy Sĩ vẫn chưa thể thực hiện được vì phe đối lập ở quốc gia Trung Đông vẫn chưa quyết định được việc tham dự cũng như danh sách đại biểu. Trong khi đó, áp lực trên nhiều phương diện đang gia tăng đối với chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad khiến dư luận lo ngại về một kịch bản xấu đối với Damascus.

Cuộc xung đột tại Syria đang ngày một loang rộng gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế.


Thời gian qua, những tranh cãi quanh việc đã có chất độc hóa học được sử dụng tại Syria hay không khiến tình hình tại quốc gia Trung Đông thêm phức tạp. Liên hợp quốc (LHQ), Anh và Pháp cùng cho rằng chính phủ của Tổng thống Al-Assad đã dùng chất độc sarin để đối phó với lực lượng chống đối. Theo cáo buộc, các mẫu xét nghiệm thu thập ở Syria đã phản ứng dương tính với loại chất độc thần kinh có khả năng giết người nhanh chóng này. Cùng với London, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nhận định, không còn nghi ngờ gì về việc Chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hóa học để đối phó với quân nổi dậy. Ông Fabius cho biết, các xét nghiệm ở Paris đã xác nhận nhiều trường hợp sử dụng sarin tại Syria. Với LHQ, theo một phúc trình mới nhất, cơ quan này thông báo có cơ sở hợp lý để tin rằng một lượng vũ khí hóa học được sử dụng ở quốc gia đang chìm trong nội chiến... Sự việc trên đã và đang khiến dư luận thêm lo ngại về kịch bản của một "Iraq thứ hai" sẽ được áp dụng. Cách đây hơn 10 năm, với cái cớ Iraq tàng trữ vũ khí hủy diệt hàng loạt, Washington đã đưa quân vào lật đổ chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein. Cho đến nay, dù Mỹ chưa đồng tình với nhận định của các đồng minh phương Tây về việc Damascus đã dùng vũ khí hóa học, với những diễn biến tại Syria, lo ngại của cộng đồng quốc tế không phải là không có cơ sở.

Cùng thời gian này, Lầu Năm Góc thông báo sẽ triển khai tên lửa Patriot và máy bay chiến đấu F-16 tới Jordan để tham gia diễn tập quân sự mang tên "Sư tử dũng mãnh" (diễn ra từ ngày 9 đến 20-6), đồng thời sẽ cân nhắc để lại các phương tiện chiến đấu ở Jordan sau khi tham khảo ý kiến giới chức nước chủ nhà. Dẫu rằng đây là một sự kiện thường niên, nhưng việc điều động hệ thống tên lửa tối tân đến khu vực khiến nhiều nhà phân tích đồn đoán về khả năng Mỹ và các đồng minh có thể đang cân nhắc những động thái can thiệp mạnh mẽ hơn vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng này. Hiện Jordan là một trong các quốc gia Arab ủng hộ việc lật đổ Tổng thống Al-Assad trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng kêu gọi ông Al-Assad từ chức, đồng thời từng cảnh báo Mỹ sẽ có hành động quân sự nếu Chính phủ Syria vượt qua "giới hạn đỏ" về sử dụng vũ khí hóa học.

Trên thực địa, quân đội của ông Al-Assad dường như đã giành những lợi thế nhất định khi tái chiếm một số thành phố và khu vực quan trọng từ lực lượng đối lập. Thế nhưng, điều đó chưa bảo đảm cho ông một tương lai chính trị rõ ràng trong bối cảnh tình hình tại quốc gia này tiếp tục lún sâu vào bế tắc. Theo thống kê, từ khi bùng phát cuộc nội chiến (tháng 3-2011) đến nay, hơn 94.000 người đã thiệt mạng và khoảng 1,6 triệu người Syria đã phải rời bỏ đất nước. Theo dự đoán của Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), đến cuối năm nay, số người tị nạn Syria có thể lên tới 3,45 triệu người. Ngay tại Syria, số người cần viện trợ hiện khoảng 6,8 triệu người và với đà này, dự báo đến cuối năm nay con số này có thể chiếm 1/2 dân số Syria. Sự nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng nhân đạo tại nước này khiến LHQ đã phải kêu gọi cộng đồng quốc tế đóng góp khoản viện trợ kỷ lục 5,2 tỷ USD để tài trợ cho các hoạt động giúp đỡ thường dân Syria. Số tiền này vượt xa con số 2,2 tỷ USD mà LHQ từng kêu gọi năm 2003 để đối phó với cuộc khủng hoảng do chiến tranh ở Iraq gây ra.

Tình trạng mà người dân Syria đang phải đối mặt là hồi chuông báo động cho thấy sự cấp thiết về một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng leo thang này. Hiện tại, cộng đồng quốc tế đang đặt hy vọng vào hội nghị quốc tế về Syria lần thứ hai ở Geneva dự kiến diễn ra vào tháng 7 tới sẽ tìm ra giải pháp hiệu quả cho cuộc xung đột đẫm máu này.

Trung Hiếu