Không mới, không khó nhưng khó thực hiện…
Xã hội - Ngày đăng : 05:34, 10/06/2013
"Tôi học thật", cuộc diễu hành của gần trăm sinh viên nhằm nâng cao nhận thức và năng lực phòng chống nạn copy-paste, đạo văn, từ đó cổ vũ cho lối sống trung thực trong nhà trường, hướng tới một môi trường giáo dục liêm chính, công bằng và bền vững. Cùng với đó là giải pháp của Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT được mang thiết bị vào phòng thi, lấy bằng chứng về hiện tượng tiêu cực để phòng chống gian lận trong thi cử. Cả hai sự kiện cùng hướng tới một mục đích là học thật - thi thật, nhưng mỗi phương thức "đấu tranh" với gian lận trong học hành và thi cử đem đến cho dư luận những cảm xúc, nghĩ suy khác nhau.
Diễn ra vào sáng chủ nhật giữa tháng 5, thời điểm chuẩn bị bước vào mùa thi, "Tôi học thật" do kênh truyền thông trực tuyến Youth Box Channel, Tổ chức Minh bạch quốc tế, Tổ chức hướng tới Minh bạch và ĐH Hoa Sen tổ chức lọt thỏm giữa bao hoạt động, sự kiện khác. Không phải bởi vì quy mô nhỏ nhoi của sự kiện "Tôi học thật", dẫu đây là một hành động dũng cảm với chính bản thân những người tham gia và thể hiện nhu cầu căn bản và nóng bỏng của xã hội, mà dường như nạn "học giả, bằng giả", thậm chí "học giả, bằng thật" dường như đã quá phổ biến. Căn bệnh thành tích trong giáo dục đã được chính ngành thừa nhận. Ngành GD-ĐT cũng đã tuyên chiến với vấn nạn đáng buồn này bằng cuộc vận động "Hai không" - "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục". Nhưng vì sao, một hoạt động có ý nghĩa như "Tôi học thật" lại ít được "tiền hô, hậu ủng" đến vậy? Có phải vì xã hội đã quen với "thành tích ảo", chấp nhận nó như một thực tại khách quan và như vậy thì đương nhiên hành động của một nhóm người trẻ trở nên xa lạ và vô vọng? Nỗi nghi ngại này không phải là không có cơ sở khi năm đầu thực hiện "Hai không", tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn quốc đã giảm từ 94% năm 2006 xuống còn 66% năm 2007, trong đó không ít trường có tỷ lệ tốt nghiệp thấp kinh ngạc. Thế nhưng, năm 2008, tỷ lệ tốt nghiệp cũng ở cấp học này trên cả nước đã tăng lên 89%; năm 2009 là 84% nhưng không có thi lại lần 2; năm 2010 là 93%; năm 2011 là 96%. Con số năm 2011 đã vượt tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trước khi có cuộc vận động "Hai không". Năm 2012, vụ tiêu cực tại Hội đồng thi THPT Dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) khiến tỷ lệ tốt nghiệp tại đây đạt 78,39% (năm trước đó là 98%), nhưng, tỷ lệ đậu tốt nghiệp trên cả nước vẫn đạt hơn 97,6%. Trên bảng xếp hạng các tỉnh, thành theo tỷ lệ đỗ tốt nghiệp, có những cuộc "lội ngược dòng" ngoạn mục. Bệnh thành tích, thiếu trung thực không chỉ thể hiện qua diễn biến của kỳ thi tốt nghiệp THPT trong những năm qua mà dường như nó diễn ra hằng ngày, hằng giờ trong từng tiết học, từng bài kiểm tra thường kỳ. Dạy không thật đã không còn là chuyện hiếm. Giáo viên dạy trên lớp qua loa, đại khái, học sinh muốn hiểu sâu, hiểu kỹ phải đi học thêm. Có thầy, cô tự ý cắt xén, dạy không hết nội dung sách giáo khoa, tiết dạy có người dự giờ khác một trời một vực với tiết học bình thường, thậm chí có người bỏ cả 2 tháng không lên lớp để lo thi giáo viên giỏi… Ở bậc đại học, tình trạng cắt - dán tiểu luận, luận văn là phổ biến, chợ luận văn mỗi mùa thi lúc nào cũng sôi động. Có những học sinh đỗ vào các trường dân lập với điểm thi rất thấp nhưng khi tốt nghiệp đạt loại giỏi dù không làm được chuyên môn đã học, bị xã hội đánh giá thấp.
Nhà trường không phải là một ốc đảo, nó là tấm gương phản chiếu xã hội. Trong khi xã hội còn nhiều tiêu cực thì nhà trường khó có thể miễn nhiễm dù đây là môi trường phải có "vắc xin" phòng bệnh tốt nhất.
Ngành giáo dục đã nhiều lần mong muốn đấu tranh để loại bỏ sự không trung thực, nhưng cách làm "đánh trống bỏ dùi", thiếu những giải pháp dài hơi, thừa những giải pháp tình thế, mang tính vá víu khiến cho tiêu cực vẫn có đất sống. Đơn cử như kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi chỉ để đánh giá một người học đã hoàn thành chương trình phổ thông, mà như Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận vừa khẳng định, chỉ cần học lực trung bình và chăm chỉ là sẽ đỗ. Thế mà vẫn gian lận, thí sinh cho nhau chép bài, sử dụng phao thi, giám thị làm ngơ cho thí sinh quay cóp, hỏi bài nhau, thậm chí còn "canh" các lực lượng giám sát, thanh tra giúp thí sinh. Biết rõ rằng "trong chăn có rận", Bộ GD-ĐT đã phải nhiều lần tăng cường các giải pháp để tăng tính nghiêm túc của kỳ thi này. "Hai không" ra đời năm 2007 và dường như chỉ có "giá trị sử dụng" trong một năm. Năm 2009, Bộ tổ chức thi theo cụm và chấm thi chéo, huy động giảng viên đại học làm thanh tra lưu động tại các địa phương, nhưng cũng chỉ áp dụng được một - hai năm, đến năm 2012 thì không còn áp dụng nữa. Nhưng "sự cố Đồi Ngô" khiến Bộ lo ngại sẽ có một "rừng ngô" nên quyết định cho thí sinh mang thiết bị vào phòng thi để ghi bằng chứng về những hiện tượng tiêu cực. Sau những tranh cãi ở cả trong lẫn ngoài ngành, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013 vẫn diễn ra với những nỗi lo, sự vất vả và căng thẳng. Tiếc là mục tiêu chống tiêu cực thì dường như không đạt được. Đó là điều ai cũng biết, chỉ không chịu thừa nhận công khai mà thôi. Hầu hết thí sinh vào phòng thi là để làm bài thi nên các em không mặn mà gì với "đòn" tố cáo tiêu cực. Khi đưa ra giải pháp này, lãnh đạo Bộ cũng đã lường trước rằng, "với việc phải bỏ ra chi phí để mua thiết bị thì đa phần học sinh sẽ không mang vào". Thêm nữa, việc thí sinh mang phao thi vào khu vực thi được chính lãnh đạo ngành giáo dục của một thành phố lớn, nơi có rất nhiều "tai mắt" theo dõi kỳ thi này "bật đèn xanh" trước kỳ thi bằng lời giải thích với báo chí rằng, các em mang tài liệu theo là để ôn lại bài trước khi vào phòng thi và kiểm tra xem mình làm có đúng không sau buổi thi. Và vì sao không phải là mang sách giáo khoa, đến giờ thi bỏ lại bên ngoài phòng thi mà phải là tài liệu thu nhỏ thì vị lãnh đạo sở này bảo rằng, các em làm thế cho gọn, dễ sử dụng!? Thậm chí, "lời dặn dò" nhớ mang phao về, không được vứt ra sân, cổng trường, dễ gây hiểu lầm, cũng được các trò truyền tai nhau. Những gì diễn ra trong khu vực "nội bất xuất, ngoại bất nhập" ấy thì chỉ giám thị, thí sinh biết. Bởi thế, cuối kỳ thi, ngành giáo dục tự tin để tuyên bố rằng, kỳ thi an toàn, nghiêm túc, kỷ luật phòng thi được tăng cường nhờ giải pháp mang tính "đột phá" này.
Một kỳ thi không có tính cạnh tranh nên trò giúp nhau là "bình thường". Một kỳ thi có cuộc đua ngầm giữa các nhà trường, thậm chí giữa các tỉnh, thành nên thầy, cô phải "thương" trò có vẻ như cũng là "lẽ thường". Giữa dòng chảy "bình thường" đó, việc các sinh viên đạp xe mang theo biểu ngữ "Tôi học thật" với mong muốn được học thật, có bằng thật để tự tin vào đời bằng thực học, thực tài, cho thấy le lói một niềm hy vọng, rằng có những người dám dũng cảm đi ngược lại dòng chảy thường tình để hướng tới sự tiến bộ. Và không chỉ những sinh viên dám chấp nhận đấu tranh với cái xấu qua cuộc diễu hành mang chủ đề "Tôi học thật", mà trong xã hội hiện nay cũng đã có nhiều cơ quan, đơn vị, tỉnh, thành quay lưng với "học giả". Đây thực sự là những tín hiệu vui, bởi đấu tranh với "học giả, bằng thật" không phải là cuộc đấu tranh trong riêng ngành giáo dục. Song, cuộc đấu tranh ấy cần phải diễn ra trước tiên ở môi trường học đường. "Học thật", "Thi thật" chân lý giản đơn nhưng ẩn chứa nhiều sự phức tạp ấy hoàn toàn có thể đạt được, chỉ cần quyết tâm của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Việc một số trường phổ thông vài năm gần đây tổ chức kiểm tra chung, chấm chung với từng bài kiểm tra một tiết đã cho thấy điều đó. Kết quả kiểm tra được giám hiệu nhà trường dùng để căn cứ đánh giá giáo viên nên vừa buộc các thầy, cô phải dạy thật sự, vừa hạn chế được những hiện tượng tiêu cực có thể nảy sinh khi giáo viên toàn quyền quyết định điểm số của học trò. Nếu mỗi tỉnh, thành đều nhân rộng cách làm không mới và không khó này, dạy thật, học thật và thi thật sẽ trở thành chuyện bình thường.