Bộ Công an rút dự thảo phạt "mua dâm đồi trụy"
Đời sống - Ngày đăng : 15:45, 09/06/2013
Ngày 8/6, tại Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, Bộ giải thích thực hiện kế hoạch triển khai thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính, Thủ tướng đã giao Bộ Công an xây dựng một số Nghị định có liên quan chức năng quản lý Nhà nước về an ninh trật tự. Trong số này có 3 Nghị định: Nghị định quy định danh mục và quản lý, sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính; Nghị định quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. 3 dự thảo nghị định đã gửi sang Bộ Tư pháp đề nghị thẩm định và được đưa ra lấy ý kiến nhân dân.
Theo nhiều chuyên gia pháp luật, không có định nghĩa về "mua dâm đồi trụy" nên đề xuất của Bộ Công an về xử phạt người có hành vi này sẽ khó khả thi. Ảnh: A.N |
Nhiều người cho rằng tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự; phòng, chống tệ nạn xã hội có một số điều về phạt người mua dâm sẽ khó khả thi. Chẳng hạn, hành vi mua dâm có tính chất đồi trụy, lôi kéo, ép buộc người khác cùng mua dâm sẽ bị phạt 5-10 triệu đồng.
Về dự thảo này, luật sư Vũ Tiến Vinh nhận xét đã quy định chế tài khá nghiêm khắc đối với hoạt động mại dâm có tính “đồi trụy” nhưng lại không định nghĩa thế nào là đồi trụy, chắc chắn sẽ rất khó khăn trong thực thi. "Giả sử nhà chức trách xác định là đồi trụy nhưng người vi phạm bảo không đồi trụy thì lấy có sở nào để xác định đúng, sai? Nếu người vi phạm khiếu nại thì việc giải quyết khiếu nại thế nào?", ông Vinh nói.
Ngày 8/6, Văn phòng Bộ Công an cho biết, hiện Ban soạn thảo đang tạm ngừng việc đăng tải lấy ý kiến tham gia để tiếp thu, chỉnh sửa. Khi hoàn thiện bổ sung, chỉnh lý, Bộ tiếp tục mời người dân, các tổ chức đóng góp ý kiến.
Một luật sư cho rằng trước khi dự thảo được đưa ra, các thành viên trong ban soạn thảo cần đầu tư kỹ lưỡng và thận trọng hơn để tránh gặp những luồng ý kiến trái chiều từ người dân. "Không riêng Bộ Công an, gần đây một số đưa ra dự thảo đã vấp phải ý kiến trái chiều của người dân. Phạt xe chính chủ hay không chính chủ là một ví dụ", vị này dẫn chứng.