Đạo diễn Lê Phong Lan: Mong gặp lại ký ức tuổi thơ
Văn hóa - Ngày đăng : 07:48, 09/06/2013
Đạo diễn Lê Phong Lan trong một cảnh quay tác nghiệp ngoài trời. |
Đạo diễn Lê Phong Lan kể, chị sinh ra trong một gia đình có bố là người Quảng Nam và mẹ là người Hà Nội. Bố chị tham gia vào Vệ quốc đoàn từ năm 14 tuổi rồi tập kết ra Bắc và vào một đơn vị bảo vệ Thủ đô. Bố chị đã gặp mẹ - người con gái Hà Nội, như một duyên phận đã định giữa một người là đảng viên ưu tú, người kia là đoàn viên xuất sắc cùng được chọn tham gia xây dựng nơi lưu giữ thi hài Bác. Họ đến với nhau từ lòng đồng cảm sâu sắc, chung mục tiêu lớn chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. "Tình cảm của hai ông bà lúc ấy đặc biệt lắm, tình yêu của họ và lòng yêu nước trong chiến tranh luôn lớn hơn tất cả những tình cảm khác". Và chị chính là thành quả của tình yêu thời khói lửa đó.
Trong cuộc trò chuyện thân mật với chúng tôi, đạo diễn Lê Phong Lan kể về tuổi thơ của mình. Dường như vô tình chạm vào một miền ký ức không thể quên, đôi mắt chị đôi lúc nhìn xa xăm khắc khoải, có lúc lại rạng rỡ khi bất ngờ nhớ đến một chuyện vui. Chị bảo, mình "giàu có" hơn bất cứ ai khác bởi nền văn hóa Bắc - Trung - Nam đã hòa chung vào dòng máu của chị, trong từng sở thích, thói quen và tác phong công việc hằng ngày (bố miền Trung, mẹ miền Bắc và chị hiện sinh sống tại miền Nam).
"Giàu" bởi lúc chị còn nhỏ, khoảng 4-5 tuổi, bố đã dạy tập hát những bài chòi, hò khoan, hát bộ, ca tuồng.... của miền Nam. "Dường như nỗi nhớ quê hương da diết đã thôi thúc ba dành tất cả tình cảm cho các con mà cụ thể nhất là trong những ngày nghỉ phép, ba dành phần lớn thời gian để dạy các con học hát hò khoan" và tất cả các anh, chị em của chị đều thấy ở ba nỗi nhớ quê hương da diết. Rồi không chỉ hát, trong mỗi bữa ăn, ông còn dạy các con những phong tục, tập quán của quê hương, kể lại những kỷ niệm lúc bé ở với ông bà nội như thế nào…
Chị còn tự hào mình "giàu có" bởi văn hóa Hà Nội dường như đã thấm vào da thịt, hiển hiện trong lời nói, thói quen thường nhật. "Nhớ lúc còn nhỏ, ở cạnh nhà mình có một con sông nước đỏ ngầu mỗi mùa lũ về. Mình và lũ trẻ trong khu sơ tán ở ngoại thành Hà Nội hay nhặt những quả trám không biết ở đâu trôi dạt vào, mang về đập ra lấy nhân để ăn. Nhưng nhớ nhất vẫn là những lúc tham gia hát tập thể những bài quan họ, dân ca Bắc bộ". Vừa nói, chị Lan vừa cất lời hát say sưa: "Bèo dạt mây trôi, chốn xa xôi, anh ơi em vẫn đợi…". Rồi như ký ức chợt ùa về, chị tiếp tục lời hát ru Bắc bộ, hát ả đào cho chúng tôi nghe một cách say sưa...
Sau ngày miền Nam được giải phóng năm 1975, đạo diễn Lê Phong Lan lúc đó mới 9 tuổi cùng gia đình về Quảng Nam. Cuộc hội ngộ đầu tiên đã diễn ra, quá bất ngờ và không ai có thể nghĩ được sau bao năm xa cách, mọi người được gặp lại nhau trong một hoàn cảnh đặc biệt: miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối. Đến tháng 12 năm đó thì các bác, các chú trong gia đình đi tập kết cũng lần lượt trở về quê. Lần thứ hai đại gia đình của chị lại có cuộc hội ngộ xúc động. Tất cả quây quần bên nhau và cùng ôn lại kỷ niệm của hơn 21 năm xa cách. "Như bao thế hệ những người có hai quê hương Nam - Bắc, cảm giác hội ngộ ở quê hương đặc biệt lắm, hơn bất cứ thứ gì khác vì hồi ấy phương tiện đi lại chưa nhiều và hầu như ai ở miền Bắc khi nghĩ tới Quảng Nam thì đều tin rằng đó là một miền xa xôi lắm, mà thực tế đi lại khá vất vả và có những người phải đi bộ hàng tháng trời để gặp lại được gia đình".
Chị nói mình "giàu" cũng bởi sau lần hội ngộ thứ hai đó, chị quay trở về Hà Nội học và đến năm 1988 thì quyết định chọn TP Hồ Chí Minh sinh sống để nơi đây cũng giúp chị ra đời hàng loạt những bộ phim tài liệu nổi tiếng.
Khi kể lại với chúng tôi những ký ức không thể quên cùng niềm tự hào được sinh ra trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc, đạo diễn Lê Phong Lan "bật mí": "Mình đã ao ước từ khi bắt đầu học Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Việt Nam (khóa 1 - miền Nam) là làm phim truyện nhưng duyên phận lại gắn với phim tài liệu. Mình hy vọng sẽ trở lại với phim truyện trong một ngày gần nhất. Và trong sâu thẳm lúc này, mình mong ước được trở về Hà Nội để gặp lại một phần ký ức tuổi thơ của mình trong ấy…".