Sẽ công khai số phiếu tín nhiệm của từng chức danh chủ chốt

Chính trị - Ngày đăng : 17:09, 08/06/2013

(HNMO) - Bên lề Quốc hội, ngày 8-6, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã giải đáp các câu hỏi của báo chí xoay quanh việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt ...

- Ngày 10- 6, QH sẽ lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo chủ chốt, quy trình này sẽ được công khai như thế nào?

- Báo chí sẽ tham gia, nắm thông tin ngay từ khâu các ĐBQH bỏ phiếu. Sau đó, QH công bố kết quả theo 3 mức độ tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.

- Ông chia sẻ gì khi cá nhân ông vừa là người bỏ phiếu vừa là người được lấy phiếu?

-Với tôi, khi lấy phiếu hay bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt, tiêu chí đầu tiên cần xem xét là người đó hoàn thành nhiệm vụ công tác đến đâu. Nghĩa là, phải tìm hiểu, với chức danh hiện nay, người đó đã làm gì cho nhân dân, cho đất nước. Nếu không làm tốt thì tôi đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ.

- Văn phòng Quốc hội đã nhận được ý kiến phản ánh nào về chạy phiếu hay vận động bỏ phiếu?

-Chúng tôi chưa nhận được ý kiến nào. Người nào làm thế khi bị phát hiện sẽ mất hết uy tín. Từ nay đến ngày 10- 6, nếu xảy ra hiện tượng này, trách nhiệm của chúng tôi là báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

-Bên cạnh bản kiểm điểm của các chức danh được lấy phiếu thì ý kiến cử tri cũng là kênh thông tin quan trọng để ĐBQH có thể quyết định mức độ tín nhiệm. Vậy việc tập hợp ý kiến cử tri đã thực hiện thế nào?

-Theo quy định, việc tập hợp ý kiến cử tri do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đảm nhận, thực hiện trước lúc bỏ phiếu 20 ngày. Đến giờ phút này, không có ý kiến nào của cử tri liên quan đến vấn đề này.

- Có ý kiến cho rằng việc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm trước khi các Bộ trưởng trả lời chất vấn là quy trình “ngược”. Quan điểm của ông như thế nào?

- Kỳ họp Quốc hội này chỉ 4 bộ trưởng trả lời chất vấn. Cũng có những Bộ trưởng chưa từng phải trả lời chất vấn. Theo tôi, bỏ phiếu trước khi chất vấn công bằng hơn.

- Trong trường hợp người được 10 phiếu tín nhiệm cao, còn lại chỉ là phiếu tín nhiệm thì đánh giá như thế nào?

- Trường hợp này không sao cả. Theo quy định, ai được ĐBQH đánh giá tín nhiệm cao nhiều thì người đó hoàn thành tốt nhiệm vụ. Còn ĐBQH chỉ “tín nhiệm” thì là hoàn thành nhiệm vụ. Chỉ trường hợp cán bộ chủ chốt có nhiều phiếu tín nhiệm thấp thì đây cũng là một trong những cơ sở để cơ quan chức năng đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bách Sen