Vì một Đông Á hội nhập toàn diện
Thế giới - Ngày đăng : 06:53, 08/06/2013
Thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập khu vực là nội dung chính của Hội nghị WEF tại Myanmar lần này. |
Không phải ngẫu nhiên Hội nghị WEF về Đông Á lần thứ 22 này lại chọn thúc đẩy sự chuyển đổi toàn diện của Myanmar là một trong ba chủ đề chính của chương trình nghị sự bên cạnh hai nội dung khác là nhận diện hội nhập khu vực, quy mô của các giải pháp khu vực và ứng phó với các thách thức. Sau những nỗ lực cải cách thần kỳ, xứ sở Ngọc bích đã trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Trong bối cảnh quốc gia hơn 65 triệu dân đang nỗ lực chuẩn bị cho Năm Chủ tịch luân phiên ASEAN 2014, hội nghị còn là cơ hội để Myanmar tiếp tục khẳng định vị thế mới trên trường quốc tế với những thành tựu đáng ghi nhận sau 2 năm Tổng thống Thein Sein thực hiện mở cửa kinh tế.
Bất chấp những tín hiệu không mấy lạc quan vừa được phát đi từ nền kinh tế số một thế giới và 17/27 nền kinh tế thành viên Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) do tiếp tục chìm sâu vào suy thoái trong quý thứ sáu liên tiếp, các ý kiến phát biểu tại Hội nghị WEF đều ghi nhận bức tranh toàn cảnh nền kinh tế khu vực Đông Á vẫn khá sáng sủa. Dù chưa thể phục hồi một cách nhanh chóng như mong đợi nhưng Đông Á với 2,15 tỷ người (chiếm tới 1/3 dân số thế giới) và tổng GDP trên 13.000 tỷ USD (chiếm gần 1/4 GDP toàn thế giới) vẫn đang thể hiện rõ vai trò động lực dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu. Dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, tăng trưởng GDP của khu vực vẫn ở mức khá cao trong năm nay là 7,8% và giảm nhẹ đôi chút trong năm 2014 xuống mức 7,6%.
Là nơi tập trung của các nền kinh tế hàng đầu thế giới, trong đó có hai đầu tàu Trung Quốc và Nhật Bản, trong cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua, Đông Á vẫn phát triển năng động. Với 18 nền kinh tế thành viên, khu vực đóng vai trò rất lớn trong thúc đẩy giao lưu thương mại toàn cầu khi chiếm tới gần 30% tổng thương mại thế giới và hằng năm thu hút gần 1/3 tổng FDI toàn cầu. Cùng với việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc đã vươn lên thành nước đứng đầu hành tinh về xuất khẩu và sở hữu kho dự trữ ngoại hối lên đến 3.400 tỷ USD, ASEAN cũng ngày càng chứng tỏ là trụ cột quan trọng trong cấu trúc khu vực Đông Á. Nỗ lực hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 đang dần cán đích, được kỳ vọng sẽ không chỉ mở ra cơ hội lớn cho tiến trình hội nhập và phát triển của 10 nền kinh tế thành viên mà còn trở thành động lực tăng trưởng của toàn khu vực.
Sự hiện diện của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại diễn đàn thường niên quan trọng này cho thấy vai trò tích cực của Việt Nam trong nỗ lực thúc đẩy sự phát triển và hợp tác chung của khu vực. Cho rằng Đông Á là khu vực phát triển năng động hàng đầu thế giới với xu hướng hợp tác liên kết đa tầng nấc, bài phát biểu tại phiên khai mạc diễn đàn của Thủ tướng đã đánh giá cao tiến trình hội nhập quốc tế được thúc đẩy mạnh mẽ tại Đông Á nói chung và ASEAN nói riêng. Kinh nghiệm thành công trong hơn hai thập kỷ đổi mới của Việt Nam khẳng định rằng sự chủ động hội nhập và chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường với sự năng động, sáng tạo cũng như khả năng thích ứng chính sách kịp thời đã giúp Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Là một trong bốn diễn đàn kinh tế thế giới khu vực (Đông Á, Châu Phi, Mỹ Latinh và Trung Đông), Hội nghị WEF về Đông Á năm 2013 vừa kết thúc với những đề xuất, sáng kiến và giải pháp hữu ích nhằm đẩy nhanh sự phát triển của khu vực đầy tiềm năng. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế rằng cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên và tranh chấp biển đảo đang biến trái tim của nền kinh tế thế giới thành một khu vực phức tạp. Do vậy, thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa thực sự thoát khỏi suy thoái và những thách thức an ninh đang đối diện là một nhiệm vụ không đơn giản. Trong điều kiện đó, hợp tác đa phương trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, có trách nhiệm và cùng chia sẻ lợi ích sẽ là cơ sở quan trọng cho một Đông Á hội nhập và vững mạnh.