6 năm thực hiện Luật Cư trú: Nhiều lỗ hổng dễ bị trục lợi
Chính trị - Ngày đăng : 06:05, 08/06/2013
Công an thị trấn Thường Tín (huyện Thường Tín) kiểm tra hộ khẩu trên địa bàn. Ảnh: Bá Hoạt |
Việc thực hiện Luật Cư trú đã mang lại những lợi ích căn bản cho công tác quản lý nhà nước về cư trú. Theo đó, công an các địa phương đã cung cấp kịp thời số liệu về nhân thân, hộ khẩu, giúp cho cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành liên quan xây dựng các kế hoạch, chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội và đề ra nhiều giải pháp phục vụ hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm. Qua công tác này, cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 50.000 tin, tài liệu phục vụ lực lượng nghiệp vụ bắt hàng nghìn đối tượng truy nã, trốn thi hành án; phục vụ điều tra, khám phá gần 30.000 vụ án, bắt hơn 70.000 đối tượng về hình sự, kinh tế, ma túy...
Mặt khác, nội dung Luật Cư trú đã đáp ứng nguyện vọng lớn của người dân về việc đăng ký hộ khẩu, nhân khẩu để ổn định cuộc sống. Vì thế, sau 6 năm thực hiện, số hồ sơ đăng ký thường trú đạt con số kỷ lục. Lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính (QLHC) về TTATXH cho biết, đã có hơn 3,8 triệu hộ, gần 18 triệu nhân khẩu được công an các địa phương giải quyết đăng ký thường trú. Công an các địa phương còn đăng ký tạm trú cho gần 1,9 triệu hộ với gần 11 triệu nhân khẩu; tiếp nhận thông báo lưu trú trên 98 triệu lượt người. Trước đây, nhiều công dân còn ngại ngần vì thủ tục hành chính rườm rà thì nay, với việc quy định thông thoáng của luật, cộng với việc cơ quan công an tăng cường cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết, không cần xác minh... đã mạnh dạn đến làm thủ tục theo quy định. Điều này góp phần giúp việc thực hiện các nội dung về đăng ký thường trú, quản lý cư trú trên địa bàn dân cư dần vào nền nếp. Tuy nhiên, theo quan điểm của lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát QLHC về TTATXH, một số quy định của Luật Cư trú chưa thực sự phù hợp với điều kiện hiện nay. Chẳng hạn, việc thay đổi chỗ ở hợp pháp trong thời hạn 24 tháng mới phải làm thủ tục chuyển khẩu, đăng ký tạm trú và cấp sổ tạm trú không xác định thời hạn... dẫn đến tình trạng cơ quan công an không quản lý được khi công dân chuyển nơi thường trú, tạm trú. Một số quy định trong luật cũng bị lợi dụng để thực hiện những mục đích khác, thậm chí dẫn đến các hiện tượng tiêu cực khi đăng ký hộ khẩu. Phổ biến nhất là tình trạng cho nhiều người nhập khẩu nhờ vào cùng một nhà nhưng thực tế không cư trú... Cụ thể, từ tháng 7-2007 đến tháng 7-2012, dân số của các thành phố trực thuộc trung ương đã tăng hơn 2 triệu hộ với gần 9,8 triệu nhân khẩu.
Trong quá trình thực hiện luật, cơ quan công an cũng còn hạn chế khi ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, quản lý cư trú. Công tác quản lý dữ liệu chủ yếu vẫn thực hiện bằng phương pháp thủ công nên việc tra cứu chậm, thông tin chưa được cập nhật thường xuyên. Ngoài ra, đội ngũ làm công tác đăng ký, quản lý cư trú ở miền núi, vùng sâu còn thiếu, yếu về chuyên môn... Từ những khó khăn đó, dù có nhiều cố gắng nhưng chính cơ quan công an cũng thừa nhận, việc đăng ký, quản lý cư trú chưa đáp ứng được yêu cầu về cải cách hành chính...
Để khắc phục những bất cập trên, tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIII, Chính phủ đã có tờ trình, đề nghị sửa đổi một số điều của Luật Cư trú. Điểm đáng chú ý của việc sửa đổi hướng vào các quy định về một số hành vi bị nghiêm cấm trong quá trình đăng ký thường trú, tạm trú, như giả tạo điều kiện để được đăng ký thường trú (ký hợp đồng lao động chỉ để đủ điều kiện nhập hộ khẩu vào thành phố trực thuộc trung ương mà thực tế không làm việc, kết hôn giả để đăng ký thường trú...); cho đăng ký cư trú nhưng thực tế người được cấp đăng ký không sinh sống tại chỗ ở đó; đồng ý cho người khác đăng ký cư trú vào chỗ ở của mình để trục lợi...
Về phần mình, Bộ Công an tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính đối với công tác quản lý cư trú, tập trung ứng dụng khoa học, công nghệ, củng cố bộ máy, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ này. Thông qua quản lý cư trú, lực lượng chức năng sẽ chủ động phối hợp với các lực lượng khác nhằm phát hiện, khắc phục kịp thời những sơ hở, những vấn đề mới nảy sinh mà tội phạm có thể lợi dụng.