Vì sao chỗ thiếu chỗ thừa?
Chính trị - Ngày đăng : 13:39, 07/06/2013
Tại phiên thảo luận sáng 7-6, nhiều ý kiến ĐB đã bày tỏ sự đồng tình về mục đích và những kết quả đã đạt được từ việc sử dụng nguồn vốn TPCP trong việc phát triển giao thông, giáo dục, y tế, thủy lợi song cũng chỉ rõ những bất cập liên quan đến công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn này. Theo ĐB Nguyễn Văn Học (đoàn Lâm Đồng), trong giai đoạn 2006-2012 đã bố trí vốn TPCP thực hiện 2.682 dự án với tổng vốn đầu tư ban đầu là 479.415 tỷ đồng. Đến năm 2012, đã thực hiện 2029 dự án, đạt 70%. Nhiều dự án sử dụng nguồn vốn TPCP đã hoàn thành phát huy hiệu quả, góp phần cải thiện CSHT ở vùng sâu, vùng xa.
Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Văn Học, qua rà soát số liệu có thể thấy việc sử dụng vốn TPCP cho lĩnh vực đầu tư XDCB còn sơ sài, chưa làm rõ hiệu quả sử dụng nguồn vốn này. Đơn cử, nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực giao thông rất lớn, song báo cáo lại chưa nêu đã làm được những đường giao thông là loại gì, bao nhiêu km làm mới, bao nhiêu km mở rộng. Về thủy lợi, không rõ là được bao nhiêu kênh mương tưới tiêu, bao nhiêu hồ chứa nước. Về y tế, không rõ đã làm mới bao nhiêu bệnh viện và kết quả nâng tỷ lệ giường bệnh trên 1 vạn dân là bao nhiêu.
Những bất cập trong việc phân bổ kinh phí cho các lĩnh vực, dự án có tính cấp thiết và cấp bách cũng như việc ưu tiên nguồn vốn cho các tỉnh miền núi cũng được ĐB Nguyễn Văn Học nêu cụ thể. Tổng vốn đầu tư ban đầu từ nguồn vốn TPCP 6 năm vừa qua là 388.705 tỷ đồng được phân bổ cho lĩnh vực giao thông vận tải là 53%, Thủy lợi: 23%, Y tế: 16%, xây mới ký túc xá sinh viên: 5% và kiên cố hóa trường học là 4%. Như vậy lĩnh vực giáo dục chỉ được phân bổ 9% là suất đầu tư thấp nhất.
Việc điều chỉnh kinh phí tại các dự án quá lớn so với kế hoạch ban đầu cũng được ĐB Nguyễn Văn Học đặt nhiều dấu hỏi. Bởi tại Nghị quyết 881của QH khóa 12 đã quy định không tăng quy mô, tiêu chí về kỹ thuật của công trình nhưng tổng số vốn đầu tư cho các dự án sử dụng vốn TPCP đã được điều chỉnh tăng lại rất lớn, từ 389.705 tỷ đồng lên mức 684.794 tỷ đồng, tăng so với ban đầu là 77%. Trong đó dự án giao thông tăng 70%, thủy lợi: 110%, Y tế 37% còn riêng dự án quản lý giáo dục không được tăng?
Để giảm thiểu lãng phí, ĐB Nguyễn Văn Học kiến nghị, nên tập trung nguồn vốn cho các dự án trọng điểm như: trường học đã xuống cấp đến mức mất an toàn có thể sập đổ bất cứ lúc nào, các ký túc xá xuống cấp ở Gia Lai, Lạng Sơn và bệnh viện một số tỉnh. Đại biểu cũng đề xuất đầu tư một số công trình tưới tiêu ở Gia Lai và Lâm Đồng nhằm giảm thiểu khó khăn nguồn nước cho bà con tại khu vực này.
Kiên cố hóa trường học, sẽ làm sáng tỏ những bất cập
Giải trình, làm rõ thêm với QH về mục tiêu của Đề án kiên cố hóa trường lớp học, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, mục tiêu của đề án là triển khai và hoàn thành trong giai đoạn 2008-2012 nhưng đến nay, mới có 93.063 phòng học trên cả nước được xây dựng, đạt 65,5% so với kế hoạch cả giai đoạn và 22.997 phòng công vụ giáo viên được xây dựng, chỉ đạt 40,6% kế hoạch cả giai đoạn. Nguyên nhân là do TPCP để thực hiện kiên cố hóa trường lớp chỉ là hỗ trợ chứ không phải là chi hoàn toàn. Theo kế hoạch, phần kinh phí dự kiến là 24.800 tỷ đồng cho giai đoạn 2008-2012, trong đó, trái phiếu trung ương là 17.100 tỷ, chiếm 68%, kinh phí địa phương huy động là 7.700 tỷ chiếm 32%. Thực tế, các địa phương có điều kiện thuận lợi, ngân sách địa phương đối ứng có thể đến 60-80%, địa phương khó khăn thì đối ứng 20%. Trong quá trình triển khai, chỉ sau 6 tháng xuất hiện một số bất cập. Về giá cả, chúng ta xây dựng khung giá năm 2008 nhưng lạm phát xuất hiện, sau 6 tháng, các địa phương yêu cầu tăng định mức để đảm bảo số trường lớp học. “Chúng tôi báo cáo Thủ tướng thống nhất là phần giá trị trái phiếu không được tăng, vì Quốc QH đã duyệt. Vì vậy, số tăng chi phí do lạm phát thì phải giảm số trường đi chứ không thể tăng chi phí để đủ số trường”- Phó Thủ tướng nói.
Sau một thời gian triển khai, số phòng học chỉ đạt 65% trong khi tổng chi phí không tăng. Làm rõ vấn đề này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, như đã báo cáo trong ngân sách dự kiến ban đầu thì khoảng 24.000 tỷ đồng nhưng qua 4 năm tổng chi là 30.800 tỷ trong đó ngân sách trung ương chi đảm bảo 100% và ngân sách địa phương thì rất nhiều tỉnh đã cố gắng huy động, ngân sách địa phương chi đạt 180%. “Về kinh phí, chúng ta rất hoan nghênh các địa phương đã quan tâm hỗ trợ vì mục tiêu chung”.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, qua thực hiện đề án, đã xây dựng thêm 93.000 phòng học, góp phần cho 3 triệu học sinh, nhất là những vùng khó khăn có lớp học mới, đảm bảo việc học tập tốt hơn, nâng cao chất lượng giáo dục; đã xây dựng được 22.997 phòng ở giáo viên, góp phần cải thiện đời sống cho 88.000 giáo viên ở vùng khó khăn. Hai chỉ số này rất quan trọng thể hiện tính đúng đắn của chương trình. Vấn đề quan tâm là sai phạm bao nhiêu, chi không đúng bao nhiêu trong quá trình này? Đây là dự án liên quan đến khoảng 20.000 dự án trường lớp học, nhà công vụ. Theo chỉ đạo của QH, Thanh tra chính phủ có một đợt thanh tra năm 2012 về vấn đề kiên cố hóa trường lớp học. Kết quả thanh tra trên 10 tỉnh thành, tỷ lệ chi chưa đúng qui định Nhà nước của các địa phương được kiểm tra chiếm 1,7% trên tổng chi phí. Phó Thủ tướng cho rằng: “Mỗi lần chi sai là đáng băn khoăn, suy nghĩ, nhưng tỷ lệ như vậy chứng tỏ là Chính phủ, các địa phương chỉ đạo khá chặt chẽ”. Phó Thủ tướng cho biết, đồng tình cao với phương án QH đã nêu là nếu tiếp tục triển khai chương trình kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ giai đoạn 2016 trở đi thì phải làm được kết quả tốt hơn và hiệu quả cao hơn.
Chiều nay (7-6), QH tiếp tục thảo luận tại hội trường về vấn đề này.