Các dự án BT đều chậm tiến độ: Vì sao?
Kinh tế - Ngày đăng : 06:30, 07/06/2013
Cả 63 dự án đều chậm tiến độ
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, trên địa bàn thành phố đang có 63 dự án BT được triển khai. Kết quả kiểm tra, rà soát cho thấy, đến thời điểm này mới chỉ có 5 dự án hoàn thành. Trong đó, 4 dự án (gồm Bảo tàng Hà Nội, Cung Trí thức, đường trục phía bắc Hà Đông, đường Lê Văn Lương kéo dài) đã bàn giao và đưa vào khai thác từ tháng 10-2010 phục vụ Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Dự án còn lại là Nhà máy Xử lý nước thải Yên Sở đã hoàn thành năm 2012. Tuy nhiên, cả 5 dự án đều chưa quyết toán hợp đồng.
Cung Trí thức là dự án đầu tư theo phương thức xây dựng chuyển giao đã hoàn thành. |
Trong số các dự án đang triển khai, đáng chú ý có dự án đường trục Bắc - Nam tỉnh Hà Tây (cũ) bị ảnh hưởng bởi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được duyệt (bị ảnh hưởng về quy mô, tính chất và một phần phạm vi tuyến đường; quỹ đất đối ứng cũng bị ảnh hưởng do nằm trong vành đai xanh)? Dự án đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên đến nay đã thực hiện được 80% khối lượng (đang điều chỉnh tổng mức đầu tư và đàm phán lại hợp đồng). Quỹ đất đối ứng cho dự án này hiện cũng chưa xác định được nên chưa triển khai các thủ tục về quy hoạch chi tiết, đầu tư, giải phóng mặt bằng… Với dự án tuyến đường nối từ đường Lê Đức Thọ đến Xuân Phương, quỹ đất đối ứng tại Khu đô thị Xuân Phương đang phải điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết do nằm trong hành lang xanh sông Nhuệ và cần xác định bổ sung quỹ đất đối ứng.
Ngoài các dự án đã, đang triển khai, còn có 20 dự án đã lựa chọn được nhà đầu tư. Trong số này, 19 nhà đầu tư cam kết tiếp tục triển khai dự án. Nhà đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 3 đoạn qua địa phận Hà Nội có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin thôi và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận…
Bảo đảm hài hòa lợi ích các bên
Tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ do UBND TP Hà Nội tổ chức mới đây, đại diện một số nhà đầu tư cho rằng, sự chậm trễ này gây rất nhiều khó khăn cho DN. Ông Cheong Ho Kuan, Tổng Giám đốc Gamuda Land, nhà đầu tư dự án Nhà máy Xử lý nước thải Yên Sở cho biết, nhà máy đã hoàn thành từ lâu nhưng nay mới vận hành được khoảng 50% công suất. Hiện dự án chưa quyết toán và chưa bàn giao cho Hà Nội. Chi phí vận hành hiện nay hoàn toàn do Gamuda chi trả. Việc kéo dài thời gian bàn giao sẽ làm tăng chi phí và gây cho DN rất nhiều khó khăn. Quỹ đất đối ứng cho dự án này đã được TP ký từ năm 2011, nhưng đến nay nhà đầu tư mới chỉ nhận được 50%. Gamuda kiến nghị TP sớm hoàn thành khâu thanh, quyết toán, bàn giao công trình và bàn giao đất cho nhà đầu tư cũng như xác định giá đất tại quỹ đất đối ứng.
Đại diện nhà đầu tư dự án đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên cho biết, sau 4 năm triển khai, dự án đã hoàn thành và thông tuyến chiều từ cầu Thanh Trì đi Văn Giang (Hưng Yên), song đến khi triển khai chiều ngược lại thì phải dừng. Nguyên nhân là do hợp đồng BT đã hết hạn nhưng TP chưa ký lại hợp đồng và chưa được cấp giấy chứng nhận dự án BT. Quỹ đất đối ứng cũng chưa được TP phê duyệt.
Xung quanh kiến nghị của các nhà đầu tư, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu khẳng định, thời gian qua, TP đã tổ chức nhiều cuộc họp với các nhà đầu tư nhằm bàn cách tháo gỡ vướng mắc. Phải nói rằng, việc chậm tiến độ ngoài các nguyên nhân về quy hoạch, quỹ đất đối ứng còn do nền kinh tế suy thoái, thị trường bất động sản trầm lắng. TP khẳng định quan điểm nhất quán rằng BT vẫn là kênh đầu tư quan trọng bởi ngân sách nhà nước có hạn, cần huy động các nguồn lực xã hội vào đầu tư các dự án của Thủ đô. Để tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư, trước mắt thành phố yêu cầu các sở, ngành liên quan sớm nghiên cứu, giải quyết các vướng mắc của nhà đầu tư về điều chỉnh quy hoạch, rà soát bố trí quỹ đất đối ứng và xác định giá đất… Với 5 dự án chậm thanh, quyết toán, các sở, ngành chức năng khẩn trương phối hợp với nhà đầu tư hoàn thành sớm. Đồng thời, đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án khác, nhất là dự án phát triển giao thông. TP sẽ chủ động tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách trong thẩm quyền để bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên. Với những vướng mắc vượt thẩm quyền, TP sẽ tổng hợp để báo cáo các ngành chức năng nhằm kịp thời điều chỉnh.