Hà Nội: Quyết liệt xóa tin “rác”

Đời sống - Ngày đăng : 06:28, 07/06/2013

(HNM) - Lần đầu tiên, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Hà Nội ra văn bản yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cắt các số điện thoại gửi tin nhắn

NĐ 77/2012/CP đã bổ sung một số điều của NĐ 90/2008/CP về chống thư "rác". Điểm nổi bật của NĐ mới là yêu cầu cá nhân, tổ chức chỉ được gửi tin nhắn quảng cáo khi có sự đồng ý một cách rõ ràng của người nhận. Có nghĩa là, nếu thuê bao nhắn tin từ chối tới tổng đài (theo quy định của nhà mạng) thì họ sẽ không phải nhận tin "rác" nữa. Mặt khác, NĐ 77/CP quy định tổ chức, cá nhân không được phép gửi quá 1 tin nhắn quảng cáo có nội dung tương tự nhau tới một số điện thoại trong vòng 24h và chỉ được phép gửi trong khoảng thời gian từ 7h đến 22h, trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với người nhận. Đây được coi là quy định nhằm làm giảm các hành vi gây bức xúc trong xã hội thời gian qua, như dùng 3-4 sim "rác" nhắn cùng nội dung tin đến một thuê bao chỉ trong vòng một vài phút hay nhắn tin gây khó chịu cho người dùng vào lúc 1-2h sáng. NĐ mới thay thế NĐ 90/CP cũng có những quy định rõ hơn về kỹ thuật liên quan đến trách nhiệm của các DN cung cấp nội dung (cả có đầu số và không đầu số) và DN cung cấp dịch vụ viễn thông… NĐ 77/CP có hiệu lực thực hiện từ ngày 1-1-2013.

Người sử dụng dịch vụ viễn thông sẽ không còn bị quấy rối bởi tin nhắn “rác”. Ảnh: Thanh Hải


Để triển khai thực hiện NĐ, từ đầu năm 2013, Sở TT-TT Hà Nội đã xây dựng kế hoạch số 309 kèm theo quy trình xử lý vi phạm; đồng thời lần lượt tổ chức các cuộc họp với nhà mạng, DN cung cấp nội dung trên địa bàn để phổ biến, tuyên truyền và lấy ý kiến góp ý. Trong kế hoạch thực hiện theo quy định của NĐ 77/CP, Sở cũng nêu rõ trách nhiệm của các đơn vị phối hợp như Công an thành phố, các phòng văn hóa thông tin cũng như các nhà mạng và DN cung cấp nội dung. Đặc biệt, bản quy trình xử lý vi phạm cụ thể với những bước: người dân phản ánh về tin nhắn "rác", cuộc gọi lừa - nơi tiếp nhận - đơn vị nghiệp vụ thống kê và tham mưu để lãnh đạo Sở ban hành văn bản yêu cầu DN xử lý - nhà mạng báo cáo kết quả về Sở - thanh kiểm tra việc thực hiện. Đại diện các nhà mạng lớn như Viettel, MobiFone, Vinaphone cho biết, đã sẵn sàng các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn tin nhắn "rác" và kiên quyết xử lý mạnh tay với đối tác (là DN quản lý đầu số, tổng đài nhắn tin) nếu vi phạm quy định. Các DN cung cấp dịch vụ nội dung đều không có ý kiến gì với kế hoạch thực hiện và bản quy trình - điều đó mặc nhiên là họ đã thừa nhận việc phải thực hiện.

Sau một thời gian triển khai, ngày 31-5, Sở TT-TT ban hành công văn yêu cầu các DN cung cấp dịch vụ viễn thông chấm dứt hợp đồng với các DN sử dụng đầu số để nhắn tin "rác". Cụ thể, Sở yêu cầu, nhà mạng cắt liên lạc 127 số điện thoại, đầu số tổng đài vi phạm về gửi tin "rác" và là số điện thoại, đầu số liên hệ trong tin nhắn "rác". Các số điện thoại này gửi tin nhắn "rác" quảng cáo, mời gọi khách hàng nếu mua, sử dụng dịch vụ thì hãy gọi đến số điện thoại và tổng đài xxxxxxx, trong đó chủ yếu là mời mua bán sim, số đẹp, cầm đồ, quảng cáo các dịch vụ mua bán chăn ga gối đệm, điện thoại, nhà đất… Do vậy, cũng là dễ hiểu khi có tới 2/3 số điện thoại vi phạm kể trên (kể cả số phát tán tin "rác" lẫn số liên hệ mua bán) thuộc diện số đẹp với dàn số tứ quý, ngũ quý, lục quý, lặp đôi, số tiến… Theo quy định, các nhà mạng phải gửi báo cáo kết quả thực hiện về Sở trước ngày 20-6, như vậy DN có tới 19 ngày để triển khai thực hiện. Đáng chú ý, có rất nhiều số vi phạm trong số này là các số đẹp, vậy không rõ nhà mạng có "chùn tay" khi cắt liên lạc?

Bên cạnh việc thực hiện đều đặn yêu cầu các DN cung cấp dịch vụ viễn thông cắt liên lạc các số điện thoại vi phạm quy định về quảng cáo rao vặt gây mất mỹ quan đô thị, thì việc triển khai quy trình xử lý vi phạm về dùng số điện thoại gửi tin nhắn "rác", dụ khách hàng gọi đến số điện thoại, đầu số tổng đài cho thấy Hà Nội đang quyết tâm tạo môi trường lành mạnh, tránh gây phiền nhiễu cho người dân.

Việt Nga