Cuộc chuyển dịch trọng tâm chiến lược
Thế giới - Ngày đăng : 06:22, 07/06/2013
Cuộc hội đàm cấp cao giữa người đứng đầu điện Elysee với Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe đề cập tới một loạt vấn đề từ thúc đẩy kinh tế, năng lượng, hạt nhân đến giáo dục, văn hóa... đã cho thấy tiềm năng hợp tác giữa hai nền kinh tế lớn của thế giới. Tiếp sau chuyến thăm Nhật Bản của cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy vào năm 2011, lần công cán này của ông Hollande là cơ hội để lãnh đạo hai nước tái khẳng định những trọng tâm ưu tiên nhằm phát triển quan hệ song phương theo hướng toàn diện hơn.
Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã mở ra triển vọng mới cho quan hệ song phương. |
Thực hiện chuyến công du tới xứ sở Hoa anh đào giữa lúc nền kinh tế đất nước hình Lục lăng đứng trước không ít thách thức bởi cuộc khủng hoảng nợ tại Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone), chỉ số tín nhiệm của Tổng thống Hollande đã giảm mạnh từ 55% xuống còn 24% sau hơn một năm nhậm chức. Kinh tế trì trệ, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 11%, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa và sa thải nhân viên… khiến nhiều người dân tỏ ra nghi ngờ khả năng điều hành nền kinh tế đất nước của công dân số một nước Pháp. Trong khi đó, tuy mới trở lại vị trí thủ tướng tháng 12 năm ngoái nhưng chính sách kinh tế mới mang tên Abenomics - với ưu tiên chi tiêu công và nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích tăng trưởng - của nhà lãnh đạo Shinzo Abe đã tạo được những hiệu ứng tích cực đối với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Số liệu thống kê mới đây cho thấy, GDP của Nhật Bản quý I năm nay tăng 0,9% so với quý trước đó. Với đà tăng trưởng này, dự kiến GDP của Nhật Bản năm 2013 sẽ đạt 3,5%, cao hơn nhiều so với mức 1% của năm ngoái. Do vậy, việc tiếp cận với chính sách kinh tế Abenomics có thể gợi mở những phương hướng mới nhằm giúp ông Hollande tìm được đường đi đúng để đưa nước Pháp sớm thoát khỏi cơn suy thoái.
Trong nỗ lực đó, việc tìm kiếm thị trường và phổ biến công nghệ Pháp ra bên ngoài là một chính sách quan trọng. Thỏa thuận về việc Tập đoàn công nghiệp Mitsubishi và Tập đoàn Itochu Nhật Bản liên doanh với Công ty GDF Suez của Pháp để xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại thành phố Sinop bên bờ biển Đen của Thổ Nhĩ Kỳ trị giá 22 tỷ USD là một minh chứng cho sự hợp tác giữa hai nước. Với 58 lò phản ứng hạt nhân, Pháp là nước dẫn đầu về sử dụng năng lượng nguyên tử tại Châu Âu khi 70% điện năng được sử dụng tại nước này xuất phát từ năng lượng hạt nhân. Trong khi đó, mặc dù nhiều nhà máy đã phải ngưng hoạt động sau sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 do thảm họa kép động đất, sóng thần hồi tháng 3-2011, nhưng đến nay Nhật Bản vẫn là nước đi đầu về phát triển công nghệ năng lượng hạt nhân trên thế giới. Với điểm chung đó, điện nguyên tử cũng như bảo đảm an ninh năng lượng hạt nhân là một trong những nội dung của sự hợp tác đầy tiềm năng giữa hai quốc gia nằm ở hai lục địa Á và Âu.
Sau Ấn Độ và Trung Quốc, đây là chuyến công du thứ ba tới Châu Á của Tổng thống Hollande trong vòng chưa đầy 5 tháng. Ngoài những thỏa thuận nhằm củng cố quan hệ song phương, chuyến đi tới xứ sở Mặt trời mọc lần đầu tiên của ông chủ điện Elysee kể từ khi nhậm chức cách đây hơn một năm đã phát đi những thông điệp khác trong bối cảnh Paris có những động thái cho thấy sự chuyển dịch trọng tâm sang Châu Á - Thái Bình Dương. Cách đây vài ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đã gây bất ngờ khi khẳng định Pháp coi Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực chiến lược trong lợi ích của nước này khi tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 vừa kết thúc tại Singapore. Với vị trí địa lý tương đối xa cách, tuyên bố đã khiến Pháp trở thành một chủ thể khá mới mẻ trên bàn cờ chính trị khu vực. Vì vậy, chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Hollande không chỉ mở ra những triển vọng cho hợp tác Pháp - Nhật trong tương lai mà còn có thể được nhìn nhận như sự tiếp nối cho cam kết về sự trở lại của nước Pháp tại Châu Á - Thái Bình Dương.