Khi cùng cầu thị, lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ!

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:34, 07/06/2013

(HNM) - Cuối cùng, cơ quan quản lý nhà nước và các chuyên gia, nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: lịch sử, văn hóa, quy hoạch, giao thông… đã cơ bản đồng thuận về phương án thiết kế cầu vượt nút giao thông Ô Chợ Dừa.

Đây thực sự là tin vui với người dân Thủ đô, đặc biệt là những người thường xuyên phải qua lại nút giao thông Ô Chợ Dừa vào giờ cao điểm. Sao không vui được, bởi sau khi có sự thống nhất, đồng thuận, tiến độ dự án sẽ được đẩy nhanh. Việc xây dựng cầu vượt tại nút giao thông quan trọng này đã được khẳng định là cần thiết, phù hợp với quy hoạch nên triển khai sớm ngày nào, người dân đỡ khổ ngày đó vì… tắc đường. Để nhận được sự đồng thuận cao, tại hội thảo giữa lãnh đạo thành phố và các chuyên gia, nhà khoa học, đơn vị tư vấn thiết kế đã dày công nghiên cứu, đề xuất tới 6 phương án. Nói như vậy không phải trước đó các cơ quan chức năng không nghiên cứu kỹ. Để bảo đảm hài hòa giữa phát triển đô thị với bảo tồn di tích lịch sử đàn Xã Tắc, trước đó, đơn vị tư vấn đã đưa ra tới 10 phương án để chủ đầu tư cân nhắc 3, chọn 1. Điều đó cho thấy, thành phố luôn đặc biệt quan tâm và cân nhắc cẩn trọng giữa mục tiêu bảo tồn và phát triển.

Quay trở lại cách đây chừng 2 tháng, khi các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin về phương án xây dựng cầu vượt qua nút giao thông Ô Chợ Dừa, rất nhiều ý kiến đóng góp cho việc xác lập phương án thiết kế, xây dựng để bảo đảm đem lại hiệu quả tối ưu cả về giao thông và bảo tồn di sản. Các ý kiến đưa ra dưới nhiều góc nhìn, cách tiếp cận và phân tích khác nhau, nhưng tựu chung đều mong muốn những điều tốt đẹp. Tuy nhiên, đôi khi vì "quá yêu" hoặc quá thiên về một góc nhìn nhất định nên cũng có ý kiến đưa ra có phần gay gắt, thiếu tính bao quát, tổng thể…

Trên tinh thần thực sự cầu thị, lãnh đạo thành phố đã dành nhiều thời gian, tâm huyết lắng nghe từng ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, "gạn đục, khơi trong" tìm ra phương án tối ưu nhất. Nói nghe đơn giản vậy, nhưng làm được thực sự không dễ, nhất là khi sức ép dư luận đang đè nặng lên con tim, trí óc. Tinh thần cầu thị của cơ quan chức năng cùng với sự đồng cảm, hợp tác của các chuyên gia, nhà khoa học trong thời gian qua đã đem lại kết quả đáng mừng - đó là sự thống nhất. Trong 6 phương án đưa ra, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, GS Phan Huy Lê khẳng định, phương án 4 đã giải quyết hài hòa được cả tổ chức giao thông với bảo tồn di sản đàn Xã Tắc. Còn Viện trưởng Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) Tống Trung Tín bày tỏ, ông chuẩn bị tư tưởng đến hội thảo tranh luận, nhưng không cần thiết phải tranh luận với phương án thành phố đưa ra. Điều ông quan tâm chỉ là cùng với xây dựng cầu vượt, Hà Nội cần tôn tạo đàn Xã Tắc cho xứng tầm hơn. Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng mừng vì tưởng bất đồng quan điểm không có lối thoát, các bên đã đạt được đồng thuận. Nghe vậy mà mừng!

Cuộc tranh luận xung quanh việc xây dựng cầu vượt tại nút giao thông Ô Chợ Dừa đã có một cái kết thực sự có hậu. Qua đây, có thể thấy, nếu các cơ quan chức năng, chuyên gia, nhà khoa học cùng có tinh thần cầu thị, biết lắng nghe, chia sẻ, thấu hiểu lẫn nhau, lấy cuộc sống người dân làm trung tâm, mọi việc sẽ suôn sẻ, hanh thông. Suy cho cùng, vì mục đích phát triển hay bảo tồn di sản cũng đều phục vụ con người. Đây cũng là một kinh nghiệm quý không chỉ cho các cơ quan chức năng khi thực hiện những dự án tương tự sau này.

Nguyễn Đức