Nặng hô hào, thiếu chế tài

Chính trị - Ngày đăng : 18:36, 06/06/2013

(HNMO) – Chiều 6/6, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và dự án Luật Đấu thầu sửa đổi.


Nặng hô hào, thiếu chế tài

Thảo luận về dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTKCLP), các đại biểu nhận xét, vấn đề THTKCLP là vấn đề lớn, cấp bách hiện nay và các hành vi lãng phí diễn ra phổ biến, rất dễ nhận biết, nhưng chúng ta lại chưa có cơ chế, chế tài hiệu quả để xử lý.

Tại tổ Hà Nội, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội nhận xét, nếu đem so lãng phí với tham nhũng, thật khó để xác định chính xác yếu tố nào gây thất thoát cho đất nước nhiều hơn. Nhưng hành vi tham nhũng luôn kín đáo, tinh vi, lợi ích của các bên gần như đồng nhất với nhau nên việc tìm ra người, ra việc không dễ. Trong khi lãng phí không quá khó để phát hiện, từ người có chức năng phòng, chống lãng phí đến người bình thường đều có thể dễ dàng nhận diện ra nó.

“Những quy định THTKCLP trong luật nói nhiều nhưng các chế tài ràng buộc trách nhiệm của những người gây lãng phí rất thiếu. Những quy định này nếu không cụ thể, rõ ràng thì khả năng khắc phục bệnh lãng phí sẽ không cao”, đại biểu Phạm Quang Nghị nói.

Quan điểm của đại biểu Phạm Quang Nghị nhận được sự chia sẻ của nhiều đại biểu.

Đại biểu Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) nhân xét: “Luật chỉ nặng về hô hào,chứ chế tài không có bao nhiêu”.

Các đại biểu Bùi Thị An, Chu Sơn Hà, Đào Văn Bình, Trịnh Ngọc Thạch, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội); Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng); Bùi Văn Xuyền (Thái Bình); Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa Vũng Tàu); Võ Thị Dung, Đỗ Văn Đương, Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.Hồ Chí Minh)… thừa nhận, cơ chế của chúng ta đang tạo nhiều cơ hội cho lãng phí.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nói: “Tôi không cực đoan phản đối hoàn toàn nhưng qua theo dõi, tôi thấy chúng ta đang lãng phí ghê gớm, hội họp nhiều nơi mời quá nhiều đại biểu, tổ chức hoành tráng và luôn có quà tặng. Vậy tiền ở đâu ra, đó là ngân sách, tiền thuế của nhân dân”.

Các đại biểu đoàn Hà Nội thảo luận về 2 dự án luật chiều 6/6 - Ảnh; H.Vân



Mổ xẻ về những hành vi lãng phí, các đại biểu đưa ra rất nhiều ví dụ sinh động mà chưa được dự luật điều chỉnh triệt để.

Bức xúc việc lãnh đạo cứ lên chức là thay xe, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) nói: “Cử tri biết rất rõ và rất hiểu tầm của từng vị lãnh đạo. Tầm của người lãnh đạo không phải phụ thuộc vào xe sang. Các đồng chí lãnh đạo cao cấp nên nêu gương, làm sao tránh bệnh hình thức”

Cùng chung câu chuyện về xe, đại biểu Đỗ Văn Đương đặt vấn đề: “Sếp mà lấy xe công đưa vợ vê quê, đi chùa thì nói sao được cấp dưới!? Chúng ta phải định ra các chế tài xử lý hiệu quả, đồng thời làm rõ trách nhiệm người đứng đầu, để họ phải đi đầu, làm gương”.

Ngoài những đề xuất trên, các đại biểu cho rằng, muốn THTKCLP tốt, cần phải tích cực khoán chi chế độ; đề ra định mức chuẩn, cụ thể; công khai, minh bạch các khoản thu-chi… Đồng thời, để luật có thể đi vào cuộc sống, Ban soạn thảo nên sửa đổi, hoàn chỉnh thêm các nguyên tắc, mục đích, mục tiêu của dự án luật theo hướng cụ thể, chặt chẽ và thống nhất hơn.

Còn quá nhiều điều giao Chính phủ hướng dẫn

Cho ý kiến về dự án Luật đấu thầu sửa đổi, các đại biểu có chung đánh giá, con số hơn 84.000 tỷ đồng tiết kiệm được kể từ khi thực hiện luật đấu thầu cho thấy, đấu thầu ngày càng đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, đến nay, Luật đấu thầu đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như quy định tản mạn, không tập trung, thống nhất, gây chồng chéo và khó khăn cho người thực hiện. Vì vậy, việc sửa đổi luật là cần thiết.

Tuy nhiên, điều khiến các đại biểu băn khoăn nhất là dự án luật sửa đổi trình Quốc hội có tới 37 điều giao Chính phủ hướng dẫn thi hành và các quy định về vốn nhà nước cũng như các điều luật để hạn chế việc lách luật trong công tác đấu thầu còn rất chung chung, thiếu cụ thể, chưa được giải thích rõ ràng, khoa học.

Quan tâm đến quy định về việc quản lý các dự án có vốn từ 500 tỷ đồng trở lên, đại biểu Nguyễn Minh Quang (Hà Nội) cho rằng, dự luật lần đầu tiên quy định về các dự án có mức vốn này nhưng không giải thích lý do chọn con số này một cách khoa học.

“Con số này theo tôi là cao so với mặt bằng đầu tư phát triển chung ở các tỉnh. Ngoài ra, việc đưa vào luật con số tuyệt đối sẽ dễ bị lạc hậu. Chúng ta chỉ nên quy định về nguyên tắc, còn lại giao chính phủ quy định cụ thể tùy theo từng thời kỳ”, đại biểu Quang đề xuất.

Dự án Luật THTKCLP và dự án Luật đấu thầu (sửa đổi) sẽ lần lượt được thảo luận tại hội trường trong các ngày 18 và 20/6 tới.

H.Vân