Hội nghị thượng đỉnh Nga - EU: Còn đó những khác biệt

Thế giới - Ngày đăng : 06:13, 06/06/2013

(HNM) - Diễn ra trong hai ngày 3 và 4-6 với chương trình nghị sự dày đặc gồm các vấn đề đang được dư luận quốc tế quan tâm như tình hình tại Trung Đông và Bắc Phi, chương trình hạt nhân của Iran, Triều Tiên và nhiều lĩnh vực tăng cường hợp tác song phương


Mặc dù ban đầu chỉ xuất phát từ cuộc biểu tình, song giờ đây tình hình tại Syria đã biến thành cuộc nội chiến, kéo theo sự can dự của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nga - EU, diễn biến tại quốc gia Trung Đông này đã có nhiều tình tiết mới với việc EU dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với phe đối lập Syria. Như vậy, từ ngày 1-8, các thành viên của EU có thể cung cấp vũ khí cho đội quân chống đối chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad mà nước đi đầu sẽ là Anh và Pháp. Còn Nga từng dự kiến sẽ cung cấp hệ thống tên lửa tối tân S-300 cho Damascus theo đúng hợp đồng đã ký kết trước đó. Cả hai động thái này đều có thể dẫn đến những chuyển biến lớn về tương quan lực lượng ở hai phía của Syria.

Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nga - EU.



Những gì vừa diễn ra cho thấy hố sâu ngăn cách vẫn còn tồn tại trong quan điểm của các bên liên quan. Có thể phân ra ở cấp độ khu vực, hiện tại Iran, lực lượng Hezbollah đang đứng về phía chính quyền Tổng thống al-Assad. Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Qatar ủng hộ phe đối lập, hay còn gọi là Hội đồng dân tộc Syria (SNC). Trên bình diện quốc tế, Mỹ, EU và Nga đang đứng ở hai bờ "chiến tuyến" trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Với các nước phương Tây, bằng cách lật đổ Tổng thống Al-Assad, tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực sẽ suy yếu đáng kể và làm xói mòn dần vị thế của Hezbollah và các phong trào chiến đấu của những người Hồi giáo Shiite theo hướng ủng hộ Iran và Syria. Tuy nhiên, điều này lại có thể gây ảnh hưởng xấu lên khu vực mà ở đó quyền lợi của Nga có tầm quan trọng sống còn. Với Mátxcơva, sự sụp đổ chính quyền của Tổng thống al-Assad đồng nghĩa với sự mất cân bằng nghiêm trọng về cán cân chiến lược tại Trung Đông.

Chính vì vậy, sinh mệnh chính trị của Tổng thống Al-Assad hiện là trở ngại chính trong những nỗ lực quốc tế nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hơn hai năm qua tại Syria. Trong khi Mỹ và các cường quốc phương Tây khác đòi hỏi nhà lãnh đạo Syria phải từ chức, Nga lại cho rằng việc này tùy thuộc vào quyết định của người dân quốc gia Trung Đông. Đây là lý do khiến không ít người tỏ ra hoài nghi về kết quả Hội nghị quốc tế về Syria do Mỹ, Nga khởi xướng sẽ diễn ra vào ngày 15 và 16-6 tới tại Geneva (Thụy Sĩ). Tồn tại này cũng được xem là nhân tố cản trở tiến trình hợp tác, thậm chí có thể đưa quan hệ Nga-EU quay trở lại "vùng áp thấp" như đã từng xảy ra sau cuộc chiến tại Nam Ossetia năm 2008.

Theo số liệu từ Mátxcơva, bất chấp tình hình kinh tế khó khăn, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Nga và EU trong năm 2012 tăng 4,1% và đạt mức kỷ lục 410,3 tỷ USD. Khối lượng đầu tư của các nước thành viên EU vào nền kinh tế Nga đạt 276,8 tỷ USD, trong khi 60% tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Nga là vào EU. Đồng euro chiếm gần 40% dự trữ ngoại tệ của Nga. Ngoài lĩnh vực kinh tế, hai bên còn hợp tác khá hiệu quả trong nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là năng lượng, văn hóa và giáo dục... Không dừng lại ở đó, Mátxcơva và EU đang có kế hoạch đưa quan hệ song phương này lên bước phát triển mới với mục tiêu đạt được kim ngạch thương mại hai chiều 500 tỷ USD trong một vài năm tới. Điều đó có nghĩa rằng, cả hai đối tác quan trọng này đều chia sẻ những lợi ích thiết thực từ việc thắt chặt quan hệ song phương. Tuy nhiên, với sự khác biệt ở một số vấn đề cốt lõi, cả hai bên sẽ cần rất nhiều nỗ lực để đạt được mục tiêu này. Trong đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng việc tăng cường sự tin cậy lẫn nhau một cách minh bạch sẽ đóng vai trò quan trọng để Nga và EU thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược hiệu quả.

Quỳnh Chi