“Trẻ em nghèo đa chiều” cần được quan tâm từ nhiều chiều

Đời sống - Ngày đăng : 23:10, 05/06/2013

(HNMO) - Chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhưng thực tế hành động quả là đang có nhiều vấn đề cần bàn. Nhiều khẩu hiệu và thông điệp nhân “Tháng Hành động Vì trẻ em năm 2013” liệu có giúp gì nhiều thêm cho trẻ em?


Trẻ em nghèo luôn chịu nhiều thiệt thòi cần sự quan tâm của toàn xã hội.
(Ảnh minh hoạ - Nguồn: Dân trí)



Mặc dù về chính sách, chúng ta đã có Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhưng gần cuối năm 2012, Bộ Chính trị đã ban hành tiếp Chỉ thị số 20-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới.

Chỉ thị chỉ rõ, chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài, góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH–HĐH đất nước. Để “nhắc nhở” cũng như tạo nên cao trào việc thực hiện các chính sách đó, hàng năm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thường tổ chức Tháng hành động vì trẻ em...

Năm nay, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có Công văn số 1271/LĐTBXH-BVCSTE về việc triển khai “Tháng hành động vì trẻ em năm 2013” (1/6/2013 - 30/6/2013) với chủ đề: “Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em nghèo và trẻ em dân tộc thiểu số". Nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã xây dựng kế hoạch, triển khai kế hoạch.

Có thể nói chúng ta đã có tương đối đầy đủ các văn bản pháp quy để tạo hành lang pháp lý thực hiện công tác này. Và có thể nhận định khách quan rằng trên thực tế, tất cả cộng đồng ngày càng có nhiều hoạt động quan tâm và chăm lo hơn tới các em hơn. Tuy nhiên, vẫn còn có những nét "gợn" cần phải quan tâm, suy nghĩ để có những giải pháp và hành động quyết liệt hơn, chấm dứt những "bất công" đang xảy ra và sẽ đến với cuộc sống của các em.

Tính đến nay, cả nước có hơn 20 triệu trẻ em có nhu cầu được chăm sóc, bảo vệ, giáo dục. Nếu tính theo tiêu chí mới về gia đình nghèo của Bộ LĐTB-XH thì hiện chúng ta đang có tới 3 triệu trẻ em sống trong các gia đình nghèo, thiếu thốn, cần chăm sóc, hỗ trợ.

Nhưng nếu xét theo tiêu chí đa chiều của UNICEF đưa ra thì tỷ lệ trẻ em nghèo của Việt Nam lên tới 28% (tức khoảng 7 triệu trẻ em nghèo). Chỉ số “Trẻ em nghèo đa chiều”, được đưa ra nhằm để nghiên cứu, đánh giá thực trạng về tình hình trẻ em nghèo theo từng nhu cầu phát triển của trẻ, là một căn cứ xây dựng các chính sách, chiến lược để tạo điều kiện cho trẻ được phát triển toàn diện cả về thể chất, tinh thần và trí tuệ cho đến khi trưởng thành.

UNICEP đã đưa ra 7 lĩnh vực thuộc về nhu cầu phát triển của trẻ em gồm: giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và điều kiện vệ sinh, không lao động sớm, vui chơi giải trí và bảo trợ xã hội. Nếu trẻ em không đảm bảo được ít nhất 2 trong 7 nhu cầu nói trên được gọi là trẻ em nghèo. Theo cách tiếp cận đó thì số trẻ em nghèo đa chiều ngày càng tăng không chỉ ở khu vực nông thôn, miền núi mà ngay cả tại các khu vực đô thị lớn, nhỏ.

Ở Việt Nam, đa số trẻ em nghèo đa chiều là do không được chăm sóc y tế toàn diện, không được sử dụng nước sạch và không được vui chơi, giải trí. Điều này không lạ, bởi ngay tại Hà Nội, việc trẻ em thiếu sân chơi, thiếu bể bơi, thiếu nhà trẻ, mẫu giáo... sinh sống trong những căn nhà chật chội, thiếu thốn là chuyện rất thường ngày. Hơn nữa chương trình giáo dục của Việt Nam đang là một gánh nặng khiến các cháu không có thời gian vui chơi... Đó là chưa kể tới những vụ việc lợi dụng để ăn bớt khẩu phần thức ăn của các cháu mẫu giáo, tiểu học hay ăn bớt cả vắc-xin tiêm chủng cho trẻ em hoặc tiêm vắc-xin quá hạn sử dụng...

Cho nên, để hiện thực hóa các nội dung các câu khẩu hiệu như “Đầu tư cho trẻ em để phát triển bền vững; chung tay góp sức vì sự no ấm của trẻ nghèo, trẻ em dân tộc”, hay “Lắng nghe trẻ bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động”... là việc không dễ, bởi nó liên quan đến tiền đầu tư cho trẻ em, đến sự quan tâm thực lòng của các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Ngoài ra, nó còn liên quan đến nhiều ngành như: Văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao, xây dựng... Bộ LĐTB&XH cho biết, việc đầu tư ngân sách cho việc thực hiện các mục tiêu chương trình vì trẻ em ở các địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu học tập, vui chơi của các em. Kinh phí trực tiếp cho công tác bảo vệ trẻ em quả còn khá khiêm tốn. Ai cũng biết mỗi năm có hơn ba nghìn trẻ tử vong do đuối nước nhưng khi đầu tư xây dựng một ngôi trường với kinh phí hàng chục tỷ đồng, hạng mục bể bơi chỉ vài chục triệu đồng lại không được quan tâm...

Bảo vệ chăm sóc trẻ em vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài, vừa là nhiệm vụ cấp bách, trong đó giảm nghèo ở trẻ em là một mục tiêu ngắn hạn nhưng lại có dấu ấn quan trọng trong thời gian dài. Chuyên gia UNICEF khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho rằng, Việt Nam cần đưa ra những cách làm mới, sáng tạo và phù hợp hơn để tấn công vào những vết tích cuối cùng của cái nghèo, đặc biệt là cái nghèo của trẻ em.

Cách làm phù hợp đó là đưa chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em theo hướng mở rộng chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Bên cạnh đó, có cơ chế giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em theo đúng quy định của Nhà nước, không được lợi dụng, làm lãng phí ngân sách nhà nước đầu tư. Mặt khác, cần có chính sách khuyến khích, động viên mọi tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào công tác giảm tình trạng “trẻ em nghèo đa chiều” ở nông thôn và thậm chí là ở ngay tại các đô thị...

Minh Bắc