Xây cầu vượt hình chữ Y qua nút giao thông Ô Chợ Dừa?
Xã hội - Ngày đăng : 16:45, 05/06/2013
Tham gia hội nghị có đại diện của các bộ: Giao thông Vận tải, Xây dựng, Văn hóa Thể thao và Du lịch, các hiệp hội, các nhà khoa học, sử học, văn hóa….
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết: Việc đầu tư nút giao thông Ô Chợ Dừa là cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết về giao thông và cải tạo chỉnh trang đô thị, được thực hiện đúng Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 90/2008/QĐ-TTg ngày 09/7/2008 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ – TTg ngày 26/7/2011.
Việc đầu tư phải trên cơ sở đáp ứng được 5 tiêu chí: Phù hợp với quy hoạch và chỉ giới đường đỏ đã được phê duyệt; Bảo tồn một cách tốt nhất di tích Đàn Xã Tắc; Bảo đảm phát triển giao thông đô thị khu vực; Hạn chế ảnh hưởng đến điều kiện sống của dân cư trong khu vực; Cải thiện không gian kiến trúc và cảnh quan đô thị.
Bên cạnh đó, Chủ tịch cũng cho biết: Trong thời gian qua, Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội và đơn vị tư vấn đã tích cực nghiên cứu, thiết kế, đưa ra nhiều phương án ngầm, nổi khác nhau để xem xét và đề xuất lựa chọn tối ưu. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, còn có nhiều ý kiến khác nhau của các nhà sử học, văn hóa, chuyên môn…; theo đó, UBND TP đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục tu chỉnh, hoàn thiện và đề xuất lựa chọn phương án tối ưu nhằm đảm bảo đúng quy hoạch, kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, giao thông, đảm bảo bảo tồn di tích Đàn Xã Tắc, tôn tạo khu dấu tích, hài hòa cảnh quan kiến trúc và đảm bảo điều kiện sống của dân cư trong khu vực; đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển trước mắt và bảo tồn di tích Đàn Xã Tắc lâu dài.
Trình bày phương án quy hoạch kiến trúc tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hùng – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và phía đơn vị tư vấn cho biết: Đến nay, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn đã tổng hợp được 6 phương án giao thông. Ví như, tại phương án 1 xây dựng cầu vượt trực thông theo hướng vành đai 1, chia làm 2 nhánh khi đi qua đảo giao thông, chiều dài cầu khoảng 750m (bao gồm cả đường dẫn). Đây là phương án được UBND TP giao trong nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư. Phương án này phù hợp với quy hoạch, đảm bảo yêu cầu về tổ chức giao thông, góp phần cải tạo không gian kiến trúc và cảnh quan đô thị, không ảnh hưởng đến dân cư trong khu vực. Tuy nhiên, có một phần cầu ảnh hưởng đến không gian khu vực khoanh vùng di tích.
Ở phương án 2, cầu vượt trực thông hướng đường vành đai I, đi lệch về phía bắc (phía đường Tôn Đức Thắng), nhưng mép cầu chờm đều lên đảo lưu dấu Đàn Xã Tắc 1,5m.
Tại phương án 3, cầu vượt trực thông theo hướng đường vành đai 1, đi lệch về phía nam (đường Nguyễn Lương Bằng). Phương án này giải quyết được yêu cầu ưu tiên bảo tồn Đàn Xã Tắc.
Đáng chú ý ở phương án 4 (kế thừa các ưu điểm của phương án 3) nhưng có thiết kế bổ sung cầu nhánh đi một chiều từ Khâm Thiên qua nút Ô Chợ Dừa, nhập vào cầu chính trên đường Vành đai 1. Phương án này được phía tư vấn và TP Hà Nội đánh giá là hợp lý nhất do không ảnh hưởng đến phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích Đàn Xã Tắc, cải thiện được không gian kiến trúc và cảnh quan đô thị. Vấn đề tổ chức giao thông tuy có khó khăn (do cầu cong, hình chữ Y) nhưng vẫn khắc phục được để ưu tiên giải quyết yêu cầu về bảo tồn di tích.
Ngoài ra còn có phương án 5 là xây hầm chui trực thông theo hướng đường vành đai 1, đi ngầm bên dưới khu vực bảo tồn Đàn Xã Tắc. Cuối cùng là phương án 6 theo hướng Tôn Đức Thắng – Nguyễn Lương Bằng.
Tham gia góp ý tại hội nghị, ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải: nhất trí với chủ trương và quan điểm của TP trong đầu tư xây dựng cầu vượt nút giao Ô Chợ Dừa. Thứ trưởng đồng thuận với phương án cầu vượt hình chữ Y (phương án 4); đảm bảo tốt nhất về giao thông, không ảnh hưởng đến bảo tồn Đàn Xã Tắc. Tuy nhiên, trong quá trình thiết kế chi tiết cần chú ý đến thiết kế cảnh quan của cầu vượt với khu vực xung quanh. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ chỉ đạo đơn vị tư vấn là Tổng công ty thiết kế giao thông vận tải (TEDI) tiếp thu tất cả các ý kiến đề xuất của các chuyên gia.
Ý kiến của bà Đặng Thị Bích Liên- Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng đồng tình với TP trong việc bảo tồn Đàn Xã Tắc phải phù hợp với quy hoạch chỉ giới đã công bố, bảo đảm đời sống dân cư, cảnh quan. Với 6 phương án, quan điểm của Bộ để đảm bảo tuyệt đối là rất khó; Phương án 4 là hài hòa, đảm bảo được những vấn đề bức xúc của Hà Nội hiện nay.
Nhìn chung, các ý kiến tại hội nghị đa phần nhất trí với phương án 3 và 4. Nói như GS Tống Trung Tín – Viện trưởng Viện khảo cổ Việt Nam, phương án 4 giữ được vùng lõi của di tích và đảm bảo tốt nhất về tổ chức giao thông. Tuy nhiên, GS Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội sử học Việt Nam lại cho rằng phương án thứ 3 và 4 về cơ bản đã không đụng chạm đến khu lõi của Đàn Xã Tắc, không vi phạm Luật Di sản nhưng trong quá trình làm nếu phát hiện di tích sẽ phải tiến hành các phương án khai quật, bảo tồn các di vật. GS Lê thích phương án 5 có hầm ngầm…
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo Chủ tịch đánh giá cao 18 ý kiến tham gia đóng góp tại hội nghị, thể hiện trí tuệ, tinh thần trách nhiệm, sự tâm huyết, sự trách nhiệm cả nước với Thủ đô. Chủ tịch ghi nhận sự thống nhất cao của các đại biểu về sự cần thiết và khẩn trương thiện nút giao Ô Chợ Dừa để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Cùng với dự án thông tuyến đường vành đai 1, nút Ô chợ Dừa là dự án trọng điểm từ nay đến năm 2015.
Thực hiện chỉ đạo củaThủ tướng Chính phủ: Các quan điểm xuyên suốt tại hội nghị là bảo tồn và phát triển; Bảo tồn tốt nhất theo điều kiện của địa phương. Hơn nữa, phần lớn các đại biểu đều thống nhất chọn phương án 3 và 4. Mỗi phương án có ưu điểm riêng và cũng còn một số ý kiến phân vân. Theo đó, các đơn vị chức năng sẽ tiếp tục hoàn thiện phương án 3 và 4, trong đó chú ý phần kiến trúc, nghiên cứu tôn tạo bảo tồn các dấu tích.
Hơn nữa, phương án được lựa chọn sau hội thảo sẽ được tiếp tục lấy ý kiến cộng đồng dân cư 4 phường thuộc quận Đống Đa, trước khi báo cáo lên các bộ: Văn hóa Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Giao thông Vận tải để có văn bản thỏa thuận với Hà Nội trong việc đầu tư nút giao thông Ô Chợ Dừa.