Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có lãng phí phải giải trình

Chính trị - Ngày đăng : 10:56, 05/06/2013

(HNMO) – Sáng 5/6, Chính phủ đã trình Quốc hội Dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) với những quy định mới...


Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có lãng phí phải giải trình

Trong tờ trình, Chính phủ cho biết, ngoài kế thừa và luật hóa các quy định dưới luật đã thực hiện ổn định, Dự án Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí (sửa đổi) (THTK, CLP) được xây dựng trên quan điểm làm rõ hơn các quy định về chống lãng phí; lấy chống lãng phí làm trọng tâm trên cơ sở thực hiện tốt thực hành tiết kiệm xuyên suốt trong các quy định của Luật và trong cơ chế tổ chức điều hành, thực thi Luật; Sửa đổi các nội dung và các điều Luật theo hướng gia tăng các quy định về cơ chế, giải pháp, biện pháp cụ thể về THTK, CLP; bổ sung, cụ thể hóa các quy định về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhằm tăng tính hiệu quả, hiệu lực của các biện pháp THTK, CLP; bổ sung làm rõ các hành vi vi phạm để có chế tài xử lý tăng tính khả thi trong thực hiện Luật; bảo đảm tính minh bạch và thuận lợi trong tổ chức thực hiện.

Trên cơ sở đó, Chính phủ trình dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) bao gồm 5 chương và được chia thành 76 Điều. So với Luật hiện hành, dự án Luật (sửa đổi) giảm 6 chương và 10 Điều.

Về những quy định chung, trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật hiện hành, dự án Luật (sửa đổi) đã kết cấu lại và làm rõ hơn đối tượng bị điều chỉnh gồm: (1) Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động trong khu vực nhà nước; (2) Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng các nguồn tài nguyên; (3) Tổ chức, cá nhân khác.

Sửa đổi luật THTK, CLP nhằm khắc phục những bất cập qua 7 năm thực hiện luật hiện hành



Để khắc phục các mặt hạn chế liên quan đến việc ban hành định mức, tiêu chuẩn, chế độ làm căn cứ thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí những năm qua, dự án Luật (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung làm rõ 3 nhóm định mức, tiêu chuẩn, chế độ gồm: (i) Định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật áp dụng thống nhất trong cả nước hoặc trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa phương; (ii) Định mức, tiêu chuẩn do cơ quan được giao quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước và các nguồn tài nguyên ban hành theo thẩm quyền; (iii) Định mức, tiêu chuẩn, chế độ quy định cụ thể hoá tại quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị được xây dựng và ban hành theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, quy định rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cũng như cán bộ, công chức, viên chức trong THTK, CLP, trong đó, bổ sung trách nhiệm giải trình trước cơ quan chức năng và trước công luận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc để xảy ra lãng phí trong đơn vị mình, tuỳ theo mức độ vi phạm phải chịu trách nhiệm trực tiếp, gián tiếp và liên đới.

Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tổ chức hội nghị, hội thảo, toạ đàm; cử cán bộ, công chức, viên chức đi công tác; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; sử dụng điện, nước; sử dụng văn phòng phẩm, sách báo, tạp chí; tiếp khách, khánh tiết, lễ hội, lễ kỷ niệm…, thay vì dành từng điều riêng quy định đối với mỗi hoạt động như Luật hiện hành, dự án Luật (sửa đổi) đã tập trung quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong quản lý, sử dụng các hoạt động này, đặc biệt đưa ra quy định hàng năm đơn vị phải thực hiện kiểm toán nội bộ đối với các khoản chi tiêu liên quan đến các hoạt động này để tăng tính hiệu quả, hiệu lực của Luật.

Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, dự án Luật (sửa đổi) đã quy định rõ việc đưa chỉ tiêu tiết kiệm đã đăng ký thành căn cứ để chủ sở hữu đánh giá kết quả xếp loại doanh nghiệp và đánh giá cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp; quy định cụ thể các hành vi gây lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cơ chế xử lý đối với các hành vi gây lãng phí.

Tăng cường cơ chế kiểm tra việc thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ


Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật THTK, CLP.

Theo Ủy ban, dự án luật THTK, CLP lần này đã được hoàn thiện một bước, tiếp thu nhiều ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội và cơ quan thẩm tra, bổ sung một số nội dung mới; nhiều vấn đề đã được cụ thể hóa. Tuy nhiên, một số quy định trong Dự thảo luật vẫn cần tiếp tục hoàn thiện.

Qua rà soát cho thấy, số lượng các điều khoản giao Chính phủ quy định bằng văn bản dưới luật còn tương đối nhiều (trong đó có 6 điều mới) với các nội dung quan trọng liên quan đến xác định hành vi lãng phí gắn với chế tài xử lý trong nhiều lĩnh vực. Vì vậy, đề nghị quy định cụ thể các vấn đề trên và một số nội dung khác vào Dự thảo luật để tạo căn cứ áp dụng và bảo đảm tính cụ thể, minh bạch của Luật.

Về trách nhiệm xây dựng, sửa đổi, bổ sung định mức, tiêu chuẩn, chế độ, trong lần sửa đổi này, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, Ủy ban đề nghị: Quy định cụ thể về trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức trong xây dựng, sửa đổi, bổ sung định mức, tiêu chuẩn, chế độ; Tăng cường cơ chế kiểm tra việc thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; Có biện pháp chế tài đối với hành vi không tuân thủ, không ban hành, chậm ban hành hoặc cố tình ban hành định mức, tiêu chuẩn, chế độ không bảo đảm tính khoa học.

Theo chương trình, ngày mai, 6/6, dự án luật này sẽ được thảo luận tại tổ.

Vân An