Chuyển biến mạnh ở khâu coi thi
Tuyển sinh - Ngày đăng : 06:35, 05/06/2013
Nhiều năm gần đây, khâu coi thi tốt nghiệp THPT luôn được Bộ GD-ĐT thừa nhận là khâu yếu nhất, vậy nên ở kỳ thi năm nay, đây vẫn là khâu được "chăm sóc" chu đáo đặc biệt với sự tham gia của nhiều lực lượng. Dư âm của sự kiện vi phạm Quy chế thi tập thể tại hội đồng coi thi (HĐCT) Trường THPT dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) năm ngoái đặt lên vai những người đảm nhận nhiệm vụ tổ chức kỳ thi năm nay nhiều mối lo.
Thí sinh làm bài thi môn ngoại ngữ tại Hội đồng thi Trường THPT Thăng Long. Ảnh: Nhật Nam |
Ngay trước kỳ thi, Bộ GD-ĐT đã khẳng định sẽ tăng cường thanh tra đột xuất để rà soát quá trình triển khai thực tế ở mọi khâu, trong đó chú trọng với khâu coi thi. Ngoài 10 đoàn thanh tra của Bộ GD-ĐT, các địa phương đều thành lập đoàn thanh tra lưu động, thanh tra cắm chốt tại các HĐCT với tỷ lệ 7 phòng thi có một thanh tra. Hà Nội được Bộ GD-ĐT đánh giá cao với sáng kiến bố trí, giao trách nhiệm phụ trách số lượng HĐCT cụ thể cho từng đoàn thanh tra lưu động. Nếu để xảy ra sự cố, trách nhiệm không chỉ thuộc về chủ tịch HĐCT, mà trưởng đoàn thanh tra phụ trách HĐCT cũng chịu liên đới. Cách làm này không chỉ giúp các đoàn thanh tra bao quát, quán xuyến được mọi phần việc của từng HĐCT, mà còn tránh được những biểu hiện nể nang, dễ dãi có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng kỳ thi.
- Tỷ lệ TS đến dự thi đạt 99,63%. 49 TS bị đình chỉ thi do mang điện thoại di động, tài liệu vào pho ng thi; phát hiện 1 trường hợp thi hộ; 2 giám thị bị đình chỉ nhiệm vụ làm thi do mang điện thoại di động. - Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, không có chuyện lộ đề thi môn ngữ văn. |
Nhằm hạn chế những sai sót về nghiệp vụ, hơn 8 nghìn GT coi thi của Hà Nội đều được tập huấn kỹ về nghiệp vụ. Những người chưa qua tập huấn không được nhận nhiệm vụ. GT được điều động đột xuất cũng phải học quy chế ngay trước khi diễn ra kỳ thi. Trước mỗi buổi thi, GT mới được biết mình coi thi phòng nào. Việc duy trì hình thức đổi chéo 100% GT coi thi ở các địa bàn của Hà Nội nhiều năm nay cũng góp phần hạn chế các biểu hiện tiêu cực.
Chủ trương tạo ra sự giám sát hai chiều giữa GT và TS bằng cách cho TS mang vào phòng thi thiết bị ghi âm, ghi hình dường như còn quá mới mẻ nên đã tạo ra nhiều hiệu ứng không mấy tích cực, nhất là trong cách nhìn của xã hội đối với người thầy. Thực tế cho thấy có nhiều áp lực không cần thiết đối với GT và phần nào làm cho kỳ thi thêm căng thẳng. Dù chưa có tổng hợp, đánh giá hiệu quả triển khai cụ thể, song theo Bộ GD-ĐT, việc này là cần thiết nhằm tạo thêm kênh giám sát.
Chặt chẽ hơn với khâu chấm thi
Khâu chấm thi năm nay cũng có những điều chỉnh bổ sung theo hướng chặt chẽ hơn nhằm đánh giá đúng thực chất chất lượng bài làm của TS. Theo đó, công tác chấm thi sẽ được tăng cường thêm 2 khâu: Chấm kiểm tra và chấm thẩm định. Bộ GD-ĐT yêu cầu tại mỗi hội đồng chấm thi tự luận của địa phương đều có một tổ chấm kiểm tra, độc lập với các tổ chấm thi để chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi của mỗi môn theo tiến độ chấm. Còn khâu chấm thẩm định sẽ được Bộ GD-ĐT quyết định khi phát hiện hoặc thông tin phản ánh về quá trình chấm thi tại địa phương có vấn đề nhằm xác minh chất lượng chấm của hội đồng chấm thi. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết năm nay sẽ chú trọng khâu chấm thẩm định và công khai kết quả chấm thẩm định để các địa phương kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng khẳng định quá trình chấm thi sẽ có thể đánh giá được chất lượng của công tác coi thi của từng địa phương, từng HĐCT có nghiêm túc hay không. Những biểu hiện lơ là, dễ dãi của GT sẽ dễ dàng bị phát hiện. Nếu trong quá trình chấm thi phát hiện nhiều TS làm bài giống nhau, nhiều lỗi sai như nhau thì các địa phương phải xem xét lại trách nhiệm của HĐCT, GT coi thi và có hình thức xử lý.
Không chỉ là khâu hậu kiểm cho quá trình coi thi, công tác chấm thi còn nhằm đánh giá chất lượng dạy- học ở các nhà trường. Song để có dữ liệu chính xác thì yếu tố đề thi có vai trò quan trọng. Mặc dù Bộ GD-ĐT luôn khẳng định đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12, bảo đảm yêu cầu kiểm tra kiến thức cơ bản và có thể phân loại trình độ TS. Thế nhưng đề thi tốt nghiệp THPT năm nào cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận khi người nói dễ, người bảo khó. Thực tế ấy cho thấy sự cần thiết phải xây dựng ngân hàng đề thi quốc gia nhằm huy động trí tuệ của đội ngũ giáo viên trong việc tạo ra bộ đề thi có chất lượng. Việc lựa chọn ngẫu nhiên các câu hỏi trong ngân hàng đề thi cũng sẽ tránh được mối lo của dư luận về chuyện lộ đề và hạn chế được tình trạng dạy "tủ" học "tủ", ôn thi theo kiểu loại trừ của nhiều TS và cả một bộ phận giáo viên hiện nay.