Mùa hè không bình yên
Thế giới - Ngày đăng : 06:20, 05/06/2013
Vòi rồng và hơi cay vẫn tiếp tục được sử dụng để giải tán đám đông quá khích gần khu vực văn phòng của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan tại thủ đô Ankara, nơi các biện pháp an ninh đã được tăng cường lên mức tối đa. Cùng ngày, hàng trăm người đã tụ tập bên ngoài Lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ ở New York (Mỹ) bày tỏ tình đoàn kết với những người biểu tình trong nước và yêu cầu Thủ tướng Erdogan từ chức. Tính đến thời điểm này đã có hơn 200 cuộc biểu tình lớn nhỏ diễn ra tại 67 thành phố trên toàn quốc, với 2 người chết, hơn 3.000 người bị thương, khoảng 1.700 người bị bắt giữ. Thiệt hại về vật chất ước tới 10 triệu USD. Căng thẳng có dấu hiệu leo thang khi ngày 4-6, nghiệp đoàn cánh hữu Kesk, đại diện cho 240.000 lao động trong các trường học và văn phòng chính phủ, đã phát động cuộc đình công kéo dài trong hai ngày để phản đối cách xử lý được cho là có phần quá tay của chính quyền đối với người biểu tình.
Bạo loạn chưa có dấu hiệu kết thúc tại nhiều thành phố lớn của Thổ Nhĩ Kỳ. |
Rõ ràng, những gì diễn ra đang phản ánh tương lai chính trị đầy phức tạp của Thổ Nhĩ Kỳ và được coi là thách thức lớn nhất đối với Thủ tướng Erdogan sau 10 năm cầm quyền. Không thể phủ nhận, trong "kỷ nguyên Erdogan", nền kinh tế của quốc gia nằm ở hai lục địa Âu - Á đã được thúc đẩy. Nhờ vậy, phạm vi ảnh hưởng địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ đang được mở rộng thông qua vai trò quan trọng hơn trong các diễn đàn quản trị khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, dù được hậu thuẫn rộng rãi bởi những người Hồi giáo có tư tưởng bảo thủ ở các vùng nông thôn, ông Erdogan vẫn là một nhân vật gây nhiều chia rẽ trong cộng đồng người thế tục và bị chỉ trích vì đưa ra những quy định khắt khe liên quan việc mua bán đồ uống có cồn, quyền nạo phá thai... Bất bình ngày càng có dấu hiệu gia tăng đặc biệt trong tầng lớp thượng lưu thành thị. Tầng lớp này cho rằng sự tiến bộ của Thổ Nhĩ Kỳ đang bị các chính sách tôn giáo của ông Erdogan và đảng cầm quyền làm xói mòn. Vì vậy, các cuộc biểu tình ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khó kết thúc sớm nếu chính phủ không có động thái cải thiện thực chất. Trong điều kiện đó, hành động trấn áp của cảnh sát sẽ chỉ khiến tình hình thêm phức tạp. Chỉ có cải cách mới có thể mang lại sự hàn gắn và ủng hộ của người dân nước này.
Thế nhưng, đó không phải là nguy cơ duy nhất đối với vận mệnh chính trị của vị thủ tướng đương nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều nhà phân tích lo ngại làn sóng biểu tình chống chính phủ đang lan rộng sẽ khoét sâu sự rạn nứt trong đảng Công lý và phát triển (AKP) cầm quyền, mà cụ thể là giữa Thủ tướng Erdogan và Tổng thống Abdullah Gul. Theo Hiến pháp hiện hành, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là người đứng đầu nhà nước song chủ yếu giữ vai trò nghi lễ, còn quyền hành pháp nằm trong tay thủ tướng. Mặc dù chưa có tuyên bố công khai nào song dư luận đã nhận thấy những dấu hiệu cho thấy ông Erdogan muốn thay đổi Hiến pháp để trở thành người đứng đầu nhà nước song vẫn có đầy đủ quyền lực như mô hình kiểu Mỹ nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội sẽ diễn ra vào năm 2014. Tuy nhiên, Tổng thống Abdullah Gul không muốn có sự thay đổi. Bạo loạn bùng phát vào thời điểm nhạy cảm này rất có thể sẽ khiến người ủng hộ ông Erdogan quay sang ủng hộ ông Abdullah Gul.
Hiện tại, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ bị tác động mạnh mẽ nhất vì làn sóng biểu tình, bạo loạn. Tâm lý hoang mang khiến các tài sản bằng đồng lira của nước này phải đối mặt với những rủi ro lớn. Giá các loại tài sản liên tục giảm, kèm theo làn sóng bán tháo trên thị trường. Chỉ số chứng khoán cũng chịu không ít áp lực khi giảm tới 10,4% trong phiên giao dịch ngày 4-6. Lợi tức trái phiếu kỳ hạn 2 năm 6,48% - mức cao nhất trong 4 năm rưỡi qua trong khi giá trị đồng lira xuống thấp nhất trong vòng 18 tháng khiến Ngân hàng trung ương phải yêu cầu chính phủ sớm can thiệp.
Dù vẫn thực hiện chuyến thăm Morocco như kế hoạch nhưng chắc hẳn Thủ tướng Erdogan không thể thực sự bình tâm với một mùa hè được dự báo chất chứa đầy thách thức và bất ổn.