Thành công do công khai, minh bạch
Kinh tế - Ngày đăng : 06:00, 05/06/2013
So với các huyện phía tây thành phố Hà Nội, Đan Phượng là huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh. Trên địa bàn huyện đã và đang thực hiện nhiều dự án giải phóng mặt bằng (GPMB) với diện tích gần 200ha. Do diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi lớn nên nhu cầu về đất dịch vụ của người dân khá bức thiết. Theo tính toán, Đan Phượng có 2.652 hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện hưởng đất dịch vụ với diện tích cần bố trí khoảng 40,45ha. Đến nay, huyện đã xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật và giao đất dịch vụ cho 2.343 hộ dân, đạt gần 90% nhu cầu bố trí đất dịch vụ.
Hạ tầng kỹ thuật khu đất dịch vụ xã Song Phượng được xây dựng đồng bộ. Ảnh: Thúy Nga |
Xã Đan Phượng có 3 khu đất dịch vụ với diện tích 11,02ha thì có 2 khu đã xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật và hoàn thành giao đất cho 579 hộ gia đình. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã triển khai ngay việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên người dân rất phấn khởi. Theo cán bộ địa chính xã Lê Xuân Dương, trên diện tích đất dịch vụ được giao, nhiều hộ gia đình đã làm nhà ở hoặc thế chấp "sổ đỏ", vay vốn ngân hàng phát triển sản xuất. Hiện nay, xã Đan Phượng đang triển khai xây dựng nốt khu đất dịch vụ Mồ Tân do trước đây phải điều chỉnh quy hoạch để thực hiện dự án Công viên cây xanh. Với xã Tân Lập, trong số 2 khu đất dịch vụ thì một khu (diện tích 2,1ha) phục vụ GPMB cho Khu đô thị Tân Tây Đô đã xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật và giao đất cho 320 hộ dân. Khu đất dịch vụ thứ hai có diện tích 4,2ha đã được xác định chỉ giới đường đỏ, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và niêm yết công khai bản đồ, đồ án quy hoạch chi tiết tại địa phương. Chủ tịch UBND xã Tân Lập Nguyễn Hữu Quy cho biết, mọi thủ tục hiện đã tương đối hoàn tất, xã và huyện đang triển khai GPMB, xây dựng hạ tầng kỹ thuật giao đất dịch vụ cho nhân dân.
Chia sẻ những kinh nghiệm của địa phương, Chủ tịch xã Tân Lập cho biết, điều quan trọng là phải thực hiện công khai, dân chủ mới tạo được sự đồng thuận của nhân dân. Ngay sau khi có quyết định thu hồi đất, địa phương đã tổ chức nhiều buổi họp để người dân bàn bạc, lựa chọn và quyết định suất đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất dịch vụ cho phù hợp. Việc bốc thăm cũng được xây dựng thành quy chế, bảo đảm công khai, minh bạch, nên chỉ trong một thời gian ngắn, các hộ dân đủ điều kiện đã được nhận đất dịch vụ. Ông Nguyễn Đức Nam, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đan Phượng cho hay, sở dĩ địa phương thực hiện nhanh gọn việc giao đất dịch vụ cho nhân dân là do có sự thống nhất cao từ trên xuống dưới, Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo khá quyết liệt và có kế hoạch chi tiết cho từng địa phương. Các phương án huy động vốn của địa phương cho xây dựng hạ tầng các khu đất dịch vụ được xây dựng khá rõ ràng, minh bạch.
Có thể thấy, điểm mạnh ở Đan Phượng là biết "kéo" doanh nghiệp và nhân dân vào cuộc. Từ xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng đến xây dựng hạ tầng các khu đất dịch vụ đều có sự tham gia ứng vốn thi công của doanh nghiệp nên việc xây dựng các khu đất dịch vụ tiến hành nhanh gọn. Bên cạnh đó là sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền cơ sở tạo sự đồng bộ trong quá trình triển khai. Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đinh Hữu Hạnh cho biết thêm, xác định rõ quyền lợi của người dân bị thu hồi đất nông nghiệp là việc làm quan trọng để đẩy nhanh công tác GPMB, trước khi Chính phủ có chính sách cấp đất dịch vụ cho người bị thu hồi đất làm các dự án, huyện Đan Phượng đã xây dựng đề án giao đất dịch vụ trình UBND tỉnh Hà Tây (cũ) xem xét. Sau khi có nghị định của Chính phủ, huyện đã căn cứ vào các dự án thu hồi đất chủ động triển khai công tác quy hoạch, lập kế hoạch thu đất làm các khu đất dịch vụ phục vụ công tác GPMB các dự án. Chính sự chủ động, quyết liệt từ trên xuống dưới đã giúp cho địa phương giải quyết nhanh, gọn việc cấp đất dịch vụ cho nhân dân.