Các tổ chức chính trị xã hội không nên tham gia quản lý Nhà nước
Chính trị - Ngày đăng : 18:40, 04/06/2013
- Thưa ông, so với Hiến pháp năm 1992, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có những điểm gì mới về quan điểm xây dựng?
- Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc hơn nữa, hoàn thiện hơn nữa về chủ quyền nhân dân. Hay nói cách khác là hoàn thiện hơn nữa nguyên lý ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Chủ quyền nhân dân được thực hiện thông qua hai hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp. Hiến pháp năm 1992 đã thể hiện khá rõ về chế độ dân chủ đại diện, nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Dân chủ trực tiếp cũng đã được thể hiện nhưng chưa hoàn thiện, chưa sâu sắc và lần sửa đổi này chúng ta có nhiệm vụ phải làm cho hoàn thiện và sâu sắc hơn.
TS Nguyễn Đình Quyền- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. |
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này làm rõ hơn phạm vi, nội hàm của quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp để tránh việc trùng giẫm dẫn đến làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nhau; hoàn thiện hơn nữa về sự phối hợp và nhất là vấn đề kiểm soát quyền lực, để sao cho quyền lực mà nhân dân giao cho các cơ quan Nhà nước phải được bảo đảm thực hiện một cách công khai, minh bạch, có trách nhiệm, vì dân và đặt dưới sự giám sát của nhân dân.
Tiếp tục hoàn thiện hơn nữa mọi thiết chế dân chủ trong mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân cũng là một yêu cầu khách quan, cần thiết trong sửa đổi Hiến pháp lần này, phúc đáp yêu cầu của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thiết chế dân chủ phải được thể hiện rõ trên mọi phương diện về tổ chức bộ máy nhà nước, chế độ sở hữu, mối quan hệ giữa nhà nước và công dân, các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền của tổ chức, công dân…. nhất là phương diện thể hiện trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước.
Cuối cùng, một trong những nội dung cơ bản của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đó là hoàn thiện hơn nữa những quy định về quyền con người, quyền công dân. Hiến pháp năm 1992 quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Các quyền và nghĩa vụ phát sinh trong mối quan hệ với Nhà nước, theo đó quyền luôn đi liền với nghĩa vụ của công dân. Tuy nhiên, con người sinh ra có những quyền tự nhiên như quyền được sống, quyền sống trong môi trường lành mạnh, quyền lao động… mà không cần phải gắn với một nghĩa vụ nào cả. Về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được hoàn thiện theo hướng thể hiện rõ hơn trên các phương diện, nhất là việc bảo đảm những điều kiện thực hiện từ phía các cơ quan Nhà nước. Điểm nhấn cơ bản trong phần này của Bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp đó là kế thừa cách quy định của Hiến pháp năm 1946 đã đưa Chương về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân ngay sau Chương thứ nhất về chế độ chính trị.
- Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, ba khái niệm của học thuyết phân quyền là lập pháp, hành pháp, tư pháp đã chính thức được đề cập trong chính văn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu coi Cương lĩnh của Đảng là cơ sở chính trị quan trọng định hướng cho lập hiến, thì yêu cầu kiểm soát quyền lực- nét mới nhất của Cương lĩnh 2011 cần được hiến định theo cách nào là vấn đề chưa được làm sáng tỏ, ông có cùng chung quan điểm này không?
-Tôi cho rằng Hiến pháp năm 1992 sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2001 đã quy định sự phân công phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước ta đã xây dựng trong nhiều năm qua và tương đối đầy đủ. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này chỉ làm cho cơ chế đó hoàn thiện hơn mà thôi, như: cơ chế giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; cơ chế kiểm tra, thanh tra trong nội bộ các cơ quan Nhà nước; kiểm tra thanh tra của cấp trên đối với cấp dưới; cơ chế giải quyết các vụ án hành chính tại tòa án; cơ chế kiểm sát hoạt động tư pháp; cơ chế giám đốc xét xử của Tòa án nhân dân; cơ chế kiểm toán của kiểm toán nhà nước; cơ chế giám sát và phản biện của nhân dân.
- Để Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thể hiện rõ nét sự phân công, phối hợp, kiểm soát 3 quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, cần tiếp tục chỉnh lý điều khoản, nội dung nào thưa ông?
-Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 lần này làm sâu sắc, hoàn thiện hơn nữa cơ chế kiểm soát quyền lực như đã nêu trên nhất là về giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, kiểm toán nhà nước, nghiên cứu tổ chức Hội đồng bảo hiến; giám sát, phản biện của nhân dân thông qua các tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội, báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng…
-So với phân công hiện hành, Hiến pháp có điều chỉnh nhiệm vụ của cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, để thể hiện rõ vai trò, chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan nhà nước không, thưa ông?
-Về cơ bản, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này không có sự thay đổi nhiều so với Hiến pháp năm 1992 mà chỉ làm rõ hơn các phương diện thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đó mà thôi, như quyền giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội thông qua phương diện lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, giải trình (điều trần) hoặc tòa án nhân dân có thể xét xử theo thủ tục rút gọn bằng một thẩm phán…
-Có ý kiến cho rằng, trong các thời kỳ qua, Việt Nam đã có nhiều tổ chức chính trị xã hội tham gia quản lý nhà nước và bộ máy chính quyền nhân dân. Tuy nhiên, trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền chủ nghĩa Việt Nam, cần có những điều chỉnh phù hợp với tôn chỉ, mục đích hoạt động của các hội (ví dụ Hội Phụ nữ, Hội Nông Dân …) trong đạo luật gốc là Hiến pháp. Vậy quan điểm của ông thế nào?
-Trong quá trình cách mạng, các tổ chức chính trị- xã hội , tổ chức xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, củng cố chính quyền nhân dân, tham gia quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì các chủ thể trong bộ máy Nhà nước và hệ thống chính trị phải được xác định rõ về vị trí, vai trò, địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và nhất là trách nhiệm pháp lý. Do đó, các tổ chức chính trị- xã hội, các tổ chức xã hội cần được xác định lại vị trí, vai trò cho phù hợp, không nên tham gia quản lý nhà nước; cần tập trung vào chức năng giám sát, phản biện xã hội, củng cố và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân…
-Một số ĐBQH cho rằng, nên lập Hội đồng Bảo hiến để giúp Quốc hội kiểm soát tính hợp hiến của các đạo luật và điều ước quốc tế mà Quốc hội đã phê chuẩn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến ngược lại. Ông đánh giá vấn đề này ra sao?
-Tôi cho rằng, việc thành lập Hội đồng bảo hiến cần được cân nhắc thận trọng, vì cơ chế bảo hiến trong hệ thống pháp luật của chúng ta hiện nay cũng đã khá đầy đủ, nhất là về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hậu quả pháp lý của việc hủy bỏ các văn bản pháp luật trái với quy định, tinh thần và nội dung của Hiến pháp. Vấn đề ở chỗ lâu nay chúng ta thực hiện chưa được tốt; việc kiểm tra, thanh tra, giám sát để phát hiện hủy bỏ những văn bản pháp luật trái với Hiến pháp làm chưa được nhiều. Do đó, theo tôi cần tiếp tục kiện toàn về mặt tổ chức, cán bộ và xác định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc phát hiện, xử lý các văn bản trái với quy định của Hiến pháp. Tham khảo kinh nghiệm của một số nước cho thấy, Tòa án Hiến pháp hoặc Hội đồng bảo hiến thường phát triển mạnh ở những quốc gia có nhiều đảng phái chính trị và bộ máy nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc phân quyền. Khi các đảng phái tranh giành quyền lực trong việc nắm giữ bộ máy Nhà nước, nhất là việc tranh giành đó lên đến cực điểm hoặc các nhánh quyền hành pháp, lập pháp, tư pháp có xung đột thì vai trò của Tòa án Hiến pháp hoặc Hội đồng bảo hiến được phát huy, bảo đảm cho sự tranh giành, xung đột đó không làm phương hại đến lợi ích quốc gia, lợi ích của cộng đồng dân cư, lợi ích của nhân dân. Ở nước ta, quá trình cách mạng dựng nước và giữ nước cũng như xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay luôn bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, là yếu tố quan trọng cho mọi thắng lợi của cách mạng; Nhà nước ta thực hiện khối đại đoàn kết toàn dân với nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp thì không nhất thiết phải có một tòa án hoặc Hội đồng bảo hiến để phán xử về vấn đề liên quan đến phân chia quyền lực trong Hiến pháp.
-Hiện nay, dư luận nhân dân cho rằng khiếm khuyết nhất ở dự thảo lần này là không rõ chính quyền địa phương theo mô hình nào? Ông có đồng quan điểm vậy không. Liệu đây có phải là điểm bất cập nhất của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 hiện nay?
-Nhà nước ta được tổ chức theo mô hình thống nhất quyền lực hay nói cách khác là nhà nước đơn nhất, không phải là nhà nước liên bang, Quốc hội không tổ chức thành lưỡng viện Hạ viện và Thượng viện. Do đó, không có sự phân chia quyền lực giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương. Vì vậy, theo tôi sử dụng thuật ngữ “chính quyền địa phương” là không chính xác và đề nghị lấy lại tên gọi của Hiến pháp năm 1992 là “Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân”.
Khoản 2 Điều 115 chưa thể hiện rõ được mô hình, cơ cấu nguyên tắc hoạt động cơ bản của các cơ quan Nhà nước ở địa phương (Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân). Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc của kết cấu bộ máy nhà nước, không nên giao cho luật quy định mà cần xác định rõ ngay trong Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất và pháp chế.
Phần trên của bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 xác định “Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, cơ quan thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội” nhưng tại khoản 2 Điều 116 lại chỉ quy định “Ủy ban nhân dân là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương”. Vậy Ủy ban nhân dân có phải là cơ quan thực hiện quyền hành pháp ở địa phương hay không cũng cần được xác định rõ trong Hiến pháp để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan thực hiện quyền hành pháp từ trung ương tới địa phương.
-Thưa ông, sửa đổi Hiến pháp lần này, vấn đề đất đai luôn được người dân quan tâm, nhất là vấn đề thu hồi đất, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Điều 58 của dự thảo Hiến pháp xác định quyền sở hữu toàn dân với đất đai là phù hợp với Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011 và thực tế chế định sở hữu và sử dụng đất đai ở Việt Nam). Tuy nhiên, đối với quy định: Nhà nước thu hồi đất khi cần thiết đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội cần được cân nhắc kỹ, vì đã là để phát triển kinh tế - xã hội thì cần phải theo cơ chế thị trường, theo sự thỏa thuận chuyển nhượng lại quyền sử dụng đất của người dân hoặc trưng mua của Nhà nước. Không nên ra quyết định hành chính để thu hồi trong trường hợp này. Vì Hiến pháp đã bổ sung quy định quyền sử dụng đất là quyền về tài sản (thực chất là Hiến định hóa quy định của Bộ luật dân sự hiện hành về vấn đề này); mà về nguyên tắc đã là quyền về tài sản thì quan hệ liên quan đến đất đai phải do pháp luật về dân sự điều chỉnh, không thể dùng mệnh lệnh hành chính để ra quyết định thu hồi được.
Xin cảm ơn ông