Nhất trí thiết lập cơ chế bảo hiến

Chính trị - Ngày đăng : 10:29, 04/06/2013

(HNMO) - Hôm nay, 4/6, Quốc hội tiếp tục ngày thứ hai thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.


Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã thể hiện được sức hút lớn đối với các đại biểu Quốc hội khi tại ngày thảo luận đầu tiên, đã có 40 đại biểu góp ý. Đến sáng nay, theo báo cáo của Chủ tịch đoàn, vẫn còn hơn 85 đại biểu đăng ký phát biểu.

Các ý kiến trong phiên thảo luận sáng nay tiếp tục làm rõ những nội dung lớn được nhiều đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận trước như: khẳng định sự lãnh đạo duy nhất của Đảng đối với đất nước; đề nghị giữ nguyên tên nước; quy định về các thành phần kinh tế, các tổ chức chính trị, xã hội, mô hình chính quyền địa phương, các quyền con người…

Nổi bật trong số nhiều nội dung được các đại biểu đề cập là khẳng định vai trò của tổ chức công đoàn và Mặt trận tổ quốc; việc bảo vệ hiến pháp và thẩm quyền quyết định ngân sách của Quốc hội.

Nhất trí với cơ chế bảo hiến


Theo đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), việc bổ sung chế định bảo hiến độc lập là sự đổi mới cần thiết trong Hiến pháp, phù hợp với thể chế nước ta. Ngoài những quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bảo vệ hiến pháp như trong dự thảo, đại biểu Hùng đề nghị nên bổ sung cho Hội đồng này nhiệm vụ hàng năm báo cáo trước Quốc hội về kết quả hoạt động và trình Quốc hội ra phán quyết cuối cùng về những vấn đề còn vênh giữa Hội đồng bảo hiến và các cơ quan chức năng khác.

Về tổ chức của hội đồng bảo hiến, theo đại biểu Hùng, người đứng đầu cơ quan này nên là Chủ tịch nước, các thành viên còn lại do Chủ tịch nước giới thiệu và Quốc hội phê chuẩn.

Ủng hộ mô hình cơ quan bảo hiến, các đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cũng đề nghị, phải tăng thêm quyền hạn để hội đồng này có đủ thực quyền, các kiến nghị đưa ra đảm bảo được thực hiện.


Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) cũng đánh giá, hội đồng bảo hiến là hình thức tiến bộ, thể hiện quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng vẫn có sự phối hợp thực hiện giữa các cơ quan trong hệ thống nhà nước. Nhưng để thực quyền, hội đồng này cần có những công cụ mạnh mẽ hơn.

“Nếu chỉ dừng lại ở những đề xuất, tư vấn, khuyến nghị thì hiệu quả hoạt động của Hội đồng không cao, việc sửa đổi những điều vi hiến vẫn phụ thuộc vào ý chí của cơ quan ban hành. Tôi đề nghị, nên quy định hội đồng có quyền kiến nghị Quốc hội về tính hợp hiến. Hội đồng này phải là cơ quan có chuyên môn cao, hoạt động thường xuyên, hết lòng phục vụ nhân dân, bảo vệ công lý, quyền con người…”, đại biểu Nhiên nói.

Kinh tế nhà nước vẫn nên giữ vai trò chủ đạo

Đề cập đến vai trò của kinh tế nhà nước, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng, một khi đã quy định các chủ thể kinh tế được hợp tác, cạnh tranh bình đẳng thì không nên đề cập đến vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong hiến pháp. Bởi thực tiễn hiện nay, không có nền kinh tế quốc gia nào phát triển cao phụ thuộc vào kinh tế nhà nước, mặt khác, Việt Nam đang chứng minh cho thế giới thấy chúng ta đang có nền kinh tế thị trường, nên việc không quy định vai trò chủ đạo của nền kinh tế nhà nước là phù hợp.

Tuy nhiên, quan điểm này của đại biểu Lộc đã bị đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) “phản pháo” bằng một lập luận khác. Theo ông, trong điều kiện nước ta, kinh tế nhà nước vẫn nên giữ vai trò chủ đạo.

“Những yếu kém vừa qua của một số doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước là do năng lực quản lý, điều hành chứ không phải do vai trò của kinh tế nhà nước”, đại biểu Tám nói. 

Không thể bỏ công đoàn ra khỏi Hiến pháp

Theo các đại biểu Bùi Văn Phương – Ninh Bình, Nguyễn Văn Sơn – Hà Tĩnh, Trương Minh Hoàng - Cà Mau, Cù Thị Hậu – Hưng Yên…, các bản hiến pháp cũ đều ghi nhận vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn và trong quá trình thực hiện, những quy định này không tạo ra sự vướng mắc, cản trở. Đặc biệt, trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giai cấp công nhân sẽ là lực lượng ngày càng lớn mạnh nên việc khẳng định vai trò của công đoàn, tổ chức đại diện cho giai cấp công nhân, là cần thiết và hợp quy luật.

“Tổ chức công đoàn là tổ chức đại diện của giai cấp công nhân, người lao động. Đây là môi trường của những người có tư tưởng tiên tiến, cách mạng mà nền tảng của Đảng đã lựa chọn nên phải được ghi nhận trong Hiến pháp”, đại biểu Nguyễn Văn Sơn nói.

Chiều nay, các đại biểu tiếp tục thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đại biểu Bùi Thị An – Hà Nội sẽ là người mở đầu phiên thảo luận chiều.

Cần có nguyên tắc về chính sách xã hội

Đại biểu Nguyễn Văn Tiên - Tiền Giang cho rằng, các văn bản pháp luật về chế độ kinh tế thị trường chúng ta đã có khá đầy đủ nhưng những văn bản luật về định hướng xã hội thì còn lúng túng.

“Tôi thấy khi thảo luận về kinh tế, xã hội, rất nhiều đại biểu góp ý, phàn nàn về các vấn đề xã hội, y tế… nhưng khi thảo luận về hiến pháp lại ít nói tới. Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần có các nguyên tắc về chính sách xã hội theo hướng dịch vụ công phải đảm bảo phi lợi nhuận và dịch vụ tư cũng phải khuyến khích ưu tiên phi lợi nhuận. Đây chính là những định hướng XHCN của chúng ta”, đại biểu Tiên nói.

Chưa có quy định về đội ngũ doanh nhân trong Hiến pháp

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc - Thái Bình, hiện nay, lực lượng doanh nhân là một lực lượng có đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước nhưng trong dự thảo Hiến pháp chưa đề cập đến vai trò, vị trí của lực lượng này.

“Tôi đề nghị bổ sung quy định nhà nước khuyến khích doanh nhân làm giàu cho mình và cho đất nước. Đây chính là việc trở lại lời kêu gọi của Bác trong thư Bác gửi cho giới công thương, có thể được coi là văn kiện đầu tiên của Đảng về giới doanh nhân", đại biểu Lộc đề xuất.

Vân An