Thị trường việc làm phục hồi không đồng đều trên thế giới

Kinh tế - Ngày đăng : 07:36, 04/06/2013

(HNMO) - Báo cáo Thế giới việc làm mới công bố của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy những tín hiệu đáng mừng nhưng vẫn rất mong manh về những tiến triển ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.


Theo báo cáo, trong khi nền kinh tế toàn cầu tiếp tục hồi phục chậm sau cuộc khủng hoảng tài chính, ở phần lớn các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, số lượng việc làm đang tăng lên và bất bình đẳng về thu nhập đang được thu hẹp so với các nước phát triển.

Tuy nhiên, khoảng cách giàu nghèo ở phần lớn các quốc gia thu nhập thấp và trung bình vẫn ở mức cao. Nhiều hộ gia đình vốn đã thoát nghèo nay lại đối mặt với nguy cơ bị rơi trở lại xuống dưới chuẩn nghèo.

Ngược lại, bất bình đẳng về thu nhập gia tăng ở các nền kinh tế phát triển trong hai năm vừa qua trong bối cảnh thất nghiệp toàn cầu tiếp tục gia tăng. Số người thất nghiệp được dự báo sẽ tăng từ 200 triệu hiện nay lên gần 208 triệu năm 2015.

Cũng theo báo cáo, bất bình đẳng về thu nhập gia tăng trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2011 ở 14 trong số 26 nền kinh tế phát triển, bao gồm Pháp, Đan Mạch, Tây Ban Nha và Hoa Kỳ.

Bất bình đẳng về kinh tế đồng thời cũng gia tăng. Các doanh nghiệp nhỏ bị tụt lại phía sau so với các công ty lớn về lợi nhuận và hiệu quả đầu tư. Trong khi phần lớn các doanh nghiệp lớn đã có trở lại khả năng tiếp cận các thị trường vốn, các công ty nhỏ và mới thành lập bị ảnh hưởng bởi các điều kiện tín dụng của ngân hàng. Đây là một vấn đề khó khăn đối với sự hồi phục việc làm hiện tại và ảnh hưởng tới triển vọng kinh tế lâu dài.

Tầng lớp trung lưu đang thu hẹp dần

Báo cáo cho thấy nhóm thu nhập trung bình ở nhiều nền kinh tế phát triển đang dần thu hẹp, do thất nghiệp kéo dài, chất lượng công việc suy giảm và nhiều người lao động bị đào thải khỏi thị trường lao động.

Ngược lại, báo cáo lại chứng minh rằng mức lương cho các giám đốc điều hành (CEO) ở nhiều quốc gia lại tăng cao trở lại sau giai đoạn bị đóng băng do ảnh hưởng trực tiếp của cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Tại Tây Ban Nha, quy mô nhóm thu nhập trung bình giảm từ 50% năm 2007 xuống 46% cuối năm 2010. Ở Hoa Kỳ, 7% người giàu nhất trong dân số có tài sản ròng gia tăng trong hai năm đầu hậu khủng hoảng (56% năm 2009 lên 63% năm 2011). Trong khi đó, 93% người Mỹ còn lại có tài sản ròng suy giảm.

Nhóm cận nghèo dễ bị tổn thương

Quy mô nhóm thu nhập trung bình ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi tăng từ 263 triệu năm 1999 đến 694 triệu năm 2010. Đây là một thành tựu lớn của nhiều quốc gia Mỹ La tinh và châu Á, và gần đây là một số nước châu Phi và Ả Rập.

Tuy nhiên, nhóm “cận nghèo” dễ bị tổn thương – những người chỉ vừa vượt chuẩn nghèo – tăng từ 1,1 tỷ năm 1999 đến 1,9 tỷ năm 2010, chủ yếu ở các nền kinh tế thu nhập thấp và trung bình thấp. Nhóm dễ bị tổn thương này có quy mô gần gấp ba lần nhóm thu nhập trung bình.

Khuyến nghị của ILO: cần một cách tiếp cận cân bằng giữa những mục tiêu về kinh tế vĩ mô và việc làm. Điều này có nghĩa là khi cần thiết, cần áp dụng những biện pháp củng cố tài khóa một cách bền vững; để ý hơn tới vấn đề việc làm và các tác động xã hội của các chính sách kinh tế vĩ mô; giải quyết nhanh chóng những bất cập còn tồn đọng trong hệ thống tài chính. Cần đưa vấn đề việc làm lên hàng đầu trong các chương trình cải cách...

H.Đ