Những “kình ngư” ở Lý Sơn

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:41, 04/06/2013

(HNM) - Chuyến công tác ngắn ngủi đã mang đến cho tôi cơ duyên gặp gỡ những


Không hề nao núng

Mới 4h chiều, cái nắng hè gay gắt bỗng tắt lịm trên đảo Lý Sơn, nhường chỗ cho những cơn gió mát lạnh ùa vào từ biển. Cánh đồng xã An Hải ngút ngát một màu tím biêng biếc của sắc hành đang vào mùa thu hoạch. Vừa dừng xe hỏi thăm đường đến nhà ông Phạm Duyên, mấy chị nông dân đã đồng thanh: - "À, ông Duyên "heo" đây mà. Cô cứ đi thẳng rồi rẽ trái, nhà ổng nằm sát cánh đồng...".


Dù nhiều khó khăn, ngư dân Lý Sơn vẫn vươn khơi bám biển.

Men theo con đường nhỏ ngoằn ngoèo chạy giữa những giậu cây, căn nhà nhỏ của ông Duyên nằm sâu cuối xóm cát, tổ 16, thôn Đông, xã An Hải. Vừa nghe có nhà báo ngoài Bắc vô thăm, ông Duyên khoác vội cánh áo, niềm nở pha trà. "Kình ngư" Phạm Duyên người tầm thước, chắc nịch, nước da đen sạm và giọng nói sang sảng của dân miền biển là không thể trộn lẫn vào đâu. Tự hào là hậu duệ nhiều đời của cụ Phạm Hữu Nhật - người có công khai phá, đặt mốc chủ quyền trên đảo Lý Sơn, gia đình ông Duyên đã có 16 đời sinh sống trên đảo. Nhà nghèo lại đông anh em, 14 tuổi, cậu bé Duyên đã chập chững bước vào nghề đi biển. Năm 22 tuổi, Phạm Duyên nhập ngũ, làm trinh sát tại Trung đoàn 94, Sư đoàn 2 thuộc Quân khu 5. Tám năm sau, anh phục viên và trở về quê hương, tiếp tục nghề bám biển. Vốn là thợ lặn giỏi, lại có thâm niên đi biển, dù chưa "sắm" được tàu riêng, ông luôn được anh em bầu làm trưởng đoàn trong những lần vươn khơi. Chỉ với chiếc la bàn nhỏ xíu, kỷ vật từ những ngày trong quân ngũ, ngư trường Hoàng Sa như nằm gọn trong lòng bàn tay "sói biển". "Hiếm nơi nào nguồn lợi hải sản dồi dào như ngư trường Hoàng Sa. Có những vụ tàu trúng luồng cá ngừ đại dương, một chuyến đi biển cho thu nhập đến vài tỷ đồng..." - vừa nhấp chén trà, ông Duyên vừa lim dim mắt như tìm về quá khứ. Nhờ những chuyến đi như thế, ông đủ tiền nuôi đàn con và tạo dựng cho gia đình một cơ ngơi kha khá. Nhưng nghề đi biển cũng lắm rủi ro. Chỉ tính riêng từ năm 2005 đến năm 2008, ông có tới 17 lần bị tàu nước ngoài truy đuổi, bắt giữ phương tiện, ngư cụ và đòi tiền chuộc. Ông còn nhớ, đận đó là tháng 3-2005, ông điều khiển tàu của ông Vương nhằm hướng ngư trường Hoàng Sa thẳng tiến. Đang vào vụ cá ngừ đại dương, vừa đánh bắt được lượng cá ngừ kha khá thì tàu lạ xuất hiện. Sau một hồi, ông Duyên cùng 6 thuyền viên bị bắt về đảo Hải Nam. Giam giữ chừng 10 ngày, họ lập biên bản, tịch thu toàn bộ phương tiện. Qua người phiên dịch ông mới hay, muốn lấy lại tàu ông phải có 130 triệu đồng nộp phạt. Nửa tháng sau, xoay xở đủ số tiền theo yêu cầu, ông Duyên trở lại chuộc tàu kèm theo lá đơn khẳng định rõ: "Chúng tôi là người Việt Nam, đến đảo Hoàng Sa của Việt Nam để đánh bắt cá xa bờ, nhưng không hiểu vì lý do gì bị bắt!? Đề nghị phải trả ngay phương tiện và ngư cụ cho chúng tôi...".

Liên tiếp bị tàu lạ xua đuổi, riêng trong năm 2008, tàu của ông đã 4 lần bị tịch thu ngư cụ, chặt đứt dây hơi, tay trắng trở về đất liền. Không thể kể hết những gian khổ, hiểm nguy và cả những thiệt hại về vật chất mà ông và những bạn tàu phải gánh chịu, nhưng ông Duyên chưa bao giờ sợ hãi, nản lòng. Sự can trường, vững chí không chỉ giúp ông vững vàng trước sóng gió, mà còn trở thành điểm tựa cho bạn tàu và những người dân thêm quyết tâm bám biển Hoàng Sa, Trường Sa, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Năm 2009, do hoàn cảnh gia đình, ông Duyên ngậm ngùi chia tay nghề đi biển. Dốc toàn bộ số tiền dành dụm được từ những năm tháng vất vả nơi đầu sóng, ngọn gió, ông quyết đầu tư vào nghề nuôi heo nái - việc chưa ai từng làm ở Lý Sơn thời điểm đó. Lần đầu bắt tay chăn nuôi, ông mạnh dạn đầu tư 150 triệu đồng xây chuồng trại, mua 30 con heo giống từ đất liền. Vài tháng sau, đàn heo đã đạt trọng lượng chừng 40kg/con. Chưa kịp đón lứa heo xuất chuồng đầu tiên thì tai họa ập đến. Đàn heo đồng loạt lăn đùng ra chết bởi bệnh tụ huyết trùng. Những tưởng sau khi tự tay đào hố chôn cả đàn heo, ông sẽ từ bỏ nghề nuôi heo giống. Nhưng chỉ sau gần 2 tháng khử trùng chuồng trại, ông lại vào đất liền mua 60 con heo nái và hàng chục cuốn sách về kỹ thuật nuôi heo nái. Công việc bận lu bu nhưng đêm nào ông cũng chong đèn đọc sách, tìm hiểu kỹ thuật nuôi heo. Cái tên Duyên “heo” người dân Lý Sơn gán cho ông cũng từ đó. Trời không phụ lòng người, năm 2010, ông cho xuất chuồng 9 tấn heo, thu 510 triệu đồng. Thời kỳ cao điểm, trang trại của ông nuôi tới 100 con heo siêu nạc, trở thành nguồn cung cấp thịt heo chính cho toàn huyện đảo. Hỏi ông Duyên: "Rời biển ông có nhớ!?". Ông Duyên ngậm ngùi: "Nhớ lắm chứ! Biển đảo của ông bà mình dày công khai phá, nếu không bám biển thì ai sẽ là người giữ biển đảo quê hương? Nếu sau này con tôi có đứa nào theo nghề biển, tôi đồng ý liền!..." - mắt ông như ánh lên niềm vui, hy vọng.

Giữ cờ trên biển Hoàng Sa

Tròn 24 tuổi đời, hơn 10 năm tuổi nghề, nhưng chuyến đi biển đầu tháng 3-2013 mãi là một ký ức khó quên trong cuộc đời sóng nước của "kình ngư" Bùi Văn Phải. Chuyến đi đó, tàu QNg 96382 TS của chủ tàu kiêm thuyền trưởng Bùi Văn Phải nhằm thẳng hướng ngư trường Hoàng Sa để đánh bắt hải sâm như bao chuyến đi khác. Sau khi vượt gần 200 hải lý, con tàu cùng 9 thuyền viên cũng đến được ngư trường truyền thống và bắt đầu lặn tìm hải sâm. 9h sáng 13-3, vừa neo tàu để chuẩn bị lặn tìm hải sâm thì bất ngờ 2 tàu nước ngoài xuất hiện và rượt đuổi. Không còn cách nào khác, thuyền trưởng Phải mở máy cho tàu chạy hết tốc lực rời khỏi ngư trường Hoàng Sa. Dùng máy Icom điện báo về Nghiệp đoàn để báo cáo tình hình và xin ý kiến, Phải nhận được chỉ đạo từ đất liền: "Không được rời ngư trường truyền thống, đó là ngư trường của Việt Nam!". Như được tiếp thêm sức mạnh, 14h chiều hôm đó, thấy tình hình tạm yên, tàu QNg 96382 TS quay lại ngư trường, tiếp tục việc đánh bắt. Đúng 7h sáng 20-3, khi Phải và các thuyền viên mới lặn tìm được hơn 70kg hải sâm thì bất ngờ phát hiện tàu nước ngoài từ xa tiến lại. Phải và Phạm Văn Thạnh - người cùng Phải thay phiên chỉ huy tàu, điềm tĩnh rời khỏi ngư trường, đồng thời chỉ đạo tất cả thuyền viên tập trung ngồi trước mũi tàu. Sau 30 phút rượt đuổi, tàu lạ đã áp sát tàu QNg 96382 TS. Thấy anh em thuyền viên tay không ngồi trước mũi tàu, không hề có vũ khí hay hành động chống trả, tàu lạ quay sang nhắm thẳng vào ca-bin, nổ liền 5 phát súng. Bất chấp ngọn lửa chùm lên nóc ca-bin, ngay lập tức Phải hô các thuyền viên lao vào dùng nước biển dập lửa, bởi anh biết nếu lửa lan tới 4 bình ga, chắc chắn tàu sẽ nổ tung. Thấy lửa chớm lan đến lá cờ Tổ quốc treo trên nóc ca-bin, trong khói lửa, Phải vội vàng leo lên, cuốn lá cờ vào ngực. Dập được đám cháy cũng là lúc chân tay Phải và Thạnh bị cháy sém. Lá cờ chỉ bị thủng 2 lỗ, được Phải treo lại trên nóc ca-bin. Do toàn bộ ngư cụ, thực phẩm và quần áo cũng bị lửa làm hư hỏng hoàn toàn, không còn cách nào khác, Phải quyết định đưa tàu và các thuyền viên quay trở lại đất liền. Sau 2 ngày gặp nạn, sáng 22-3, tàu cá của thuyền trưởng kiêm chủ tàu Bùi Văn Phải cùng 8 ngư dân đã trở về Lý Sơn an toàn sau chuyến đi biển đầy rủi ro, trắc trở.

Sinh ra trong một gia đình nghèo có ba anh em ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, ngay từ nhỏ, Phải đã thừa hưởng lòng yêu nghề từ bố, một ngư phủ nổi tiếng. Bố mất sớm,13 tuổi Phải đã bỏ học, theo bác đi biển để có tiền gánh vác gia đình và nhanh chóng trở thành một "kình ngư" có tiếng. Sau gần 10 năm làm thuê, Phải quyết tâm sắm tàu riêng để vươn khơi. Dồn tất cả tiền tích cóp được, cộng với 250 triệu đồng vay của họ hàng, cuối cùng Phải cũng đủ tiền mua con tàu cũ có công suất 105 CV, chở được 10 tấn cá với giá 750 triệu đồng. Tàu hạ thủy đánh bắt xa bờ tại biển Hoàng Sa từ tháng 4-2012, hai chuyến đi biển liên tiếp bị dính bão, số tiền Phải nợ các đầu nậu lên tới 150 triệu đồng. Sau chuyến đi biển bị bắn cháy tàu, chi phí gần 300 triệu cho chuyến ra khơi coi như cũng mất trắng. Nợ chồng nợ, nhưng số tiền ít ỏi được các cơ quan, tổ chức hỗ trợ, Phải dồn cả vào việc sửa chữa lại tàu. Tám thuyền viên còn lại, ai cũng có hoàn cảnh khó khăn, song người góp ít, người góp nhiều, tất cả đều dồn sức cùng thuyền trưởng Phải với mong muốn tàu sớm được vươn khơi.

Ngoài những trường hợp như ông Phạm Duyên, Bùi Văn Phải, còn rất, rất nhiều trường hợp ngư dân bị tàu nước ngoài uy hiếp, phá hủy ngư cụ, tịch thu tàu thuyền, đòi tiền chuộc... Trong số đó, không ít người lâm vào cảnh túng bấn, nợ nần. Song vượt lên tất cả những khó khăn chất chồng, những ngư dân ở Lý Sơn vẫn không hề sợ hãi. Với họ, bám biển không chỉ đơn thuần vì mục đích mưu sinh mà trên hết là để khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương mình.

Bảo Nga