Cần giảm thiểu rủi ro, kiên trì kiềm chế lạm phát
Kinh tế - Ngày đăng : 06:26, 04/06/2013
Khả năng cạnh tranh
Các DN đang trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thị trường trầm lắng, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán; sức cạnh tranh của DN, sản phẩm cũng giảm sút trong khi nhiều đơn vị bị tồn đọng sản phẩm… Một số đại biểu tỏ ra lo ngại về quá trình sắp xếp, đổi mới DN nhà nước chậm so với yêu cầu; sức cạnh tranh và khả năng sinh lãi của khối DN này còn hạn chế, lại đối diện với các khoản nợ; vấn đề thoái vốn, rút lui khỏi những lĩnh vực ngoài ngành nghề kinh doanh chính diễn ra chậm; việc tái cơ cấu mô hình hoạt động lúng túng… Thực tế trên khiến tổng cầu và sức mua của xã hội rất hạn chế, một số DN đã ngừng hoạt động hoặc giải thể, tác động xấu về KT-XH. Nhìn chung, nhiều khó khăn, thách thức vẫn đang ở phía trước.
Các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ do vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Danh Lam |
Trước tình hình đó, Chính phủ đã theo dõi sát sao và liên tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương bám sát nội dung hỗ trợ DN thông qua nhiều nhóm giải pháp đồng bộ và đa dạng, thể hiện qua nhiều kênh, lĩnh vực liên quan. Đó là việc ban hành và thực hiện Nghị quyết số 02, củng cố thị trường, tiếp sức cho DN. Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xác nhận, nhiều ý kiến, đề xuất của DN trong 6 tháng qua đã được gửi đến Chính phủ và được giải quyết kịp thời. Trong đó, VCCI đề xuất giảm mức thuế thu nhập DN về mức 20%, sau đó Chính phủ đã trình Quốc hội theo hai mức thuế là 20% đối với DN nhỏ và vừa, 22% với DN lớn; VCCI kiến nghị bỏ trần khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị của DN (trước không quá 10%) và đã được Chính phủ nâng lên mức 15%. VCCI cũng kiến nghị khôi phục ưu đãi cho các dự án mở rộng đầu tư cũng như dự án đầu tư mới cho khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; đề nghị thành lập Hội đồng Tiền lương quốc gia, bao gồm đại diện Chính phủ cùng các đối tác xã hội và đã được Chính phủ ghi nhận. Đặc biệt, các DN kiến nghị Chính phủ bố trí 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ người nghèo có nhà ở, kết hợp trợ giúp DN và đến nay đang được triển khai. Đặc biệt, Chính phủ đang chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình lớn và có ý nghĩa quan trọng trong phát triển KT-XH như cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1; cảng biển quốc tế Lạch Huyện, cảng hàng không Nội Bài, hệ thống cảng biển phía Nam để tăng tốc giải ngân, tạo đầu việc cho DN tham gia và được DN hưởng ứng tích cực.
Tiếp tục giãn, hoãn thuế
Đại diện một số đối tác quốc tế nhận định, thời gian qua Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực, tập trung và điều phối các nguồn lực nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, Chính phủ nên có biện pháp kiên quyết hơn trong cải cách hành chính cũng như chủ động tấn công nạn tham nhũng, kết hợp với việc minh bạch hóa thông tin và tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng. Các chuyên gia nhấn mạnh, cần tạo sự lành mạnh và minh bạch để củng cố lòng tin cũng như tiếp sức cho DN. Ngoài ra, cần đưa ra và thực hiện những giải pháp theo hướng đồng bộ, nhất là kiên quyết "hành động" để xử lý các khoản nợ xấu, tránh hệ lụy kéo dài.
Các DN kiến nghị, Chính phủ nên tiếp tục tìm cách giảm thiểu rủi ro, kiên trì kiềm chế lạm phát, dung hòa giữa tăng trưởng và lạm phát; đẩy mạnh tái cơ cấu, nhanh chóng bãi bỏ trần chi phí quảng cáo của DN. Đáng lưu ý, DN đang lấy lại niềm tin khi chỉ số hấp dẫn của môi trường kinh doanh đã tăng từ 45 lên 48 điểm.
Thời gian tới, Chính phủ tập trung xử lý nợ xấu, chỉ đạo tái cơ cấu DN và thực hiện tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015. Đặc biệt, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục việc giãn, hoãn thuế cho DN, dành ưu tiên cho phát triển công nghiệp phụ trợ và khuyến khích áp dụng công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả kinh doanh của DN.