Bộ phận "một cửa" - chật hẹp, bất tiện

Đời sống - Ngày đăng : 05:59, 04/06/2013

(HNM) - Bộ phận

Đến bộ phận "một cửa" UBND phường Cửa Đông (Hoàn Kiếm), chị Nguyễn Ngọc Trang (ở phố Hai Bà Trưng) loay hoay mãi mới tìm được vị trí để kê chiếc ghế gấp ra ngồi nhưng vừa trao đổi với cán bộ được vài câu, chị lại phải đứng dậy dịch ghế để nhường lối cho mọi người đi lại. Sở dĩ công dân đến đây đều phải xoay xở như vậy vì diện tích "một cửa" của phường Cửa Đông chỉ rộng 15m2 (bao gồm cả lối đi). Toàn bộ mặt bằng trụ sở UBND phường rộng 60m2, cán bộ phải khắc phục bằng cách ngồi ghép phòng để làm việc. Không có phòng tiếp công dân riêng, toàn bộ việc tiếp khách, giải quyết công việc đều diễn ra tại phòng Chủ tịch UBND phường. Với những cuộc họp trên 100 người trở lên, phường phải mượn địa điểm của các cơ quan khác vào ngày thứ bảy, chủ nhật. Theo Chủ tịch UBND phường Cửa Đông Phí Ngọc Đoàn, hiện tại phường rất khó tìm địa điểm thay thế bởi trên địa bàn của khu phố cổ này, không còn một địa điểm rộng rãi đủ để xây dựng trụ sở, trong đó riêng bộ phận "một cửa" phải đủ 40m2.

Nhiều bộ phận “một cửa” ở xã, phường, thị trấn còn rất chật hẹp, gây khó khăn cho cả cán bộ và người dân khi đến giao dịch hành chính. Ảnh: Phương An


Cũng ở khu phố cổ, phường Đồng Xuân được UBND quận Hoàn Kiếm chọn làm điểm về công tác cải cách hành chính (CCHC) song diện tích bộ phận "một cửa" cũng chỉ đạt 28m2. Đặc điểm chung của nhiều phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm là vị trí công dân ngồi giao dịch với cán bộ cũng chính là lối đi lại. Hầu hết phường không có chỗ để xe nên công dân phải gửi cách đó một quãng khá xa.

Đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội còn khá nhiều phường, xã ở nhiều quận, huyện (Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Mê Linh, Ba Vì, Phúc Thọ, Thường Tín…) có bộ phận "một cửa" chưa đủ diện tích 40m2 theo quy định. Điển hình, huyện Thanh Trì chỉ có 8/16 xã có bộ phận "một cửa" đủ diện tích, còn lại các xã Duyên Hà, Hữu Hòa, Tả Thanh Oai, Vạn Phúc, Tam Hiệp... chỉ khoảng 20m2. Huyện Phúc Thọ cũng chỉ có 1/3 số xã, bộ phận "một cửa" có diện tích đạt chuẩn.

Thực hiện "Năm kỷ cương hành chính - 2013", UBND các phường, xã, thị trấn đã tích cực thực hiện nhiều nội dung song các đơn vị quá chật chội về mặt bằng đang gặp không ít khó khăn. Cụ thể, việc công khai các thủ tục hành chính khó tìm được vị trí niêm yết thuận lợi để công dân dễ tiếp cận, khai thác, sử dụng; đồng thời, không thể bố trí được bàn, ghế cho công dân khi ngồi chờ. Điều kiện trụ sở chật hẹp cũng dẫn tới tâm lý e ngại, trì hoãn việc đầu tư trang thiết bị phục vụ công việc. Vì vậy, nhiều đơn vị vẫn tận dụng tủ đựng hồ sơ cũ, máy tính đã xuống cấp… Đương nhiên, việc này phần nào gây ảnh hưởng tới chất lượng giải quyết công việc.

Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg của Chính phủ về việc ban hành quy chế thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương nêu rõ: "Trường hợp tình trạng trụ sở hiện tại chưa đáp ứng yêu cầu về diện tích, cơ quan hành chính nhà nước các cấp ở địa phương được dành diện tích thấp hơn quy định để bố trí bộ phận tiếp nhận và trả kết quả và nơi ngồi chờ cho tổ chức, cá nhân nhưng thời gian kéo dài không quá ngày 31-12-2008". Song đáng tiếc là đến nay Hà Nội vẫn còn khá nhiều bộ phận "một cửa" chưa đáp ứng diện tích. Theo Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh CCHC, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2011-2015", Hà Nội sẽ quy hoạch và xây dựng công sở theo hướng tập trung, từng bước hiện đại, có đủ điều kiện, phương tiện làm việc; bảo đảm đến hết năm 2015, trụ sở các xã, phường, thị trấn cơ bản đáp ứng yêu cầu CCHC. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc thực hiện mục tiêu này không đơn giản khi đến giờ các đơn vị vẫn chưa bắt tay vào thực hiện, thậm chí còn chưa tìm được hướng giải quyết.

Hiền Chi