Giáo sư Carl Thayer: Thủ tướng Việt Nam phát biểu ấn tượng với sự tự tin tuyệt vời
Đối ngoại - Ngày đăng : 16:22, 03/06/2013
Giáo sư Carl Thayer |
Là một chuyên gia về các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương và đã có nhiều năm tham dự Đối thoại Shangri-La, ông đánh giá thế nào về bài phát biểu đề dẫn của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng?
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có một bài phát biểu ấn tượng với sự tự tin tuyệt vời. Chủ đề chính của bài phát biểu là sự cần thiết phải xây dựng lòng tin chiến lược giữa những nước chủ chốt ở Đông Nam Á, kể cả những cường quốc lớn và đặc biệt là Trung Quốc và Mỹ. Với thông điệp mềm dẻo nhưng trí tuệ và sắc sảo, Thủ tướng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau giữa các quốc gia, đặc biệt là vai trò trung tâm của ASEAN và các tổ chức đa phương lấy ASEAN làm trung tâm. Tôi cho rằng Thủ tướng đã chuẩn bị chu đáo bài phát biểu, điều đó thể hiện tinh thần trách nhiệm và bản lĩnh chính trị của ông.
Điều gì làm ông ấn tượng nhất trong bài phát biểu?
- Tôi ấn tượng nhất với cách phân tích thẳng thắn của Thủ tướng về tình hình Biển Đông. Thông điệp của Thủ tướng rất rõ ràng đối với cử tọa. Hành vi đơn phương của một số quốc gia áp đặt “quyền lực chính trị” có thể đe dọa an ninh, tự do hàng hải và làm gián đoạn dòng chảy thương mại mà tất cả các nước đều phải phụ thuộc.
Trong bài phát biểu, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc xây dựng lòng tin chiến lược. Theo ông, trong bối cảnh khu vực và thế giới hiện nay, đó có phải là điều quan trọng nhất?
- Thủ tướng đã sử dụng cụm từ “lòng tin chiến lược” ít nhất 17 lần trong bài phát biểu của mình. Về bản chất, Thủ tướng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tham vấn và đối thoại nhằm giải quyết những khác biệt giữa các nước, cũng như những thách thức đang nổi lên đối với an ninh khu vực.
Thủ tướng nhấn mạnh điều kiện tiên quyết để xây dựng lòng tin là tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế và các nguyên tắc, chuẩn mực phổ quát. Tôi không nói việc xây dựng lòng tin chiến lược có phải là điều quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay hay không, nhưng đó chắc chắn là một trong những yếu tố quan trọng và tiên quyết cho việc giải quyết những tranh chấp và thách thức an ninh.
Ông nghĩ gì về cách Thủ tướng đề cập đến những vấn đề “nóng” trong bài phát biểu?
- Bên cạnh vấn đề xây dựng lòng tin chiến lược, Thủ tướng cũng dành một phần quan trọng để nhấn mạnh đến các vấn đề Biển Hoa Đông và Biển Đông, điều này dễ hiểu, bởi an ninh Biển Đông là vấn đề cấp thiết đối với Việt Nam. Mặc dù Thủ tướng không nhắc gì đến căng thẳng Trung Quốc-Philippines, nhưng thông điệp chung của ông là cần thực thi DOC và nhanh chóng tiến tới COC.
Thủ tướng cũng khéo léo nhấn mạnh sự cần thiết để Mỹ và Trung Quốc hợp tác với ASEAN. Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề cập đến một số vấn đề xuyên quốc gia và tôi rất ấn tượng khi ông đề cập đến an ninh nước. Ông đã nói đến nhưng không đề cập cụ thể về những quốc gia ở hạ lưu sông Mekong. Những vấn đề này thường bị bỏ qua khi thảo luận, nhưng phát biểu của Thủ tướng là lời nhắc nhở kịp thời rằng Campuchia và Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi những sự phát triển ở thượng lưu sông Mekong.
Ông Kanpi Bajpai - nhà phân tích Ấn Độ, chuyên gia về quan hệ Trung-Ấn: Thủ tướng Việt Nam đã rất đúng khi nói về việc xây dựng lòng tin giữa các cường quốc để giải quyết bất đồng, đặc biệt về Biển Đông. Ông Clive Coombes - Tùy viên Quân sự Anh tại Singapore, kiêm nhiệm Việt Nam: "Tôi cảm kích khi nghe Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói về vấn đề hợp tác quốc tế, và vui mừng được nghe và chứng kiến Việt Nam đã và đang tham gia tích cực vào hoạt động chung của thế giới". Reuters là một trong những hãng trích nguyên văn nhiều câu của Thủ tướng: "Đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền". BBC cũng dẫn nhiều câu của Thủ tướng kỳ vọng về vai trò của Trung Quốc và Mỹ đối với khu vực. |