Pakistan: Nhiều thách thức tiềm ẩn
Thế giới - Ngày đăng : 06:24, 03/06/2013
Wali-ur-Rehman, đối tượng được dự kiến thay thế Hakim ullah Mehsud, thủ lĩnh hàng đầu của TTP, là một trong những thủ lĩnh phiến quân ủng hộ mạnh mẽ đàm phán hòa bình, nhằm chấm dứt bạo lực tại quốc gia này. Đây là một tổn thất nặng nề với phiến quân Taliban và dư luận lo ngại rằng, thời gian tới, sự trả đũa của Taliban sẽ dẫn tới những vụ việc khó lường tại quốc gia Nam Á.
Làn sóng bạo lực do Taliban tiến hành là nguy cơ hiện hữu với Pakistan. |
Ngay sau cái chết của thủ lĩnh Rehman, ngày 30-5, Người phát ngôn Taliban Ehsanullah tuyên bố, phiến quân sẽ báo thù cho cái chết của phó thủ lĩnh. Taliban cũng quyết định hủy toàn bộ đàm phán hòa bình với Islamabad. Đây rõ ràng là một thách thức không nhỏ với người vừa được Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (PML-N), đảng giành được chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử, đề cử vào cương vị thủ tướng là ông Nawaz Sharif.
Thực tế, ngay sau khi ông Nawaz Sharif tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử, ngày 11-5 vừa qua, dư luận đã xem thắng lợi này sẽ không nhiều dư vị ngọt ngào vì chính phủ mới của Pakistan sẽ phải đối mặt với hàng loạt nhiệm vụ vô cùng khó khăn là thành lập một liên minh cầm quyền và giải quyết những vấn đề hóc búa của đất nước. Một trong những vấn đề đó là "giải bài toán" với Taliban khi lực lượng này ngày càng theo khuynh hướng chủ nghĩa cực đoan và chọn vùng biên giới Pakistan - Afghanistan là nơi trú ngụ. Bằng chứng là trước và sau cuộc tổng tuyển cử vừa qua, Pakistan đã phải hứng chịu rất nhiều vụ đánh bom đẫm máu. Chính phủ Pakistan ngày 1-6 cho biết, ít nhất 161 người thiệt mạng và hơn 650 người bị thương trong các vụ đánh bom do phiến quân tiến hành trong suốt tháng 5 vừa qua, tháng tổng tuyển cử của quốc gia Nam Á này. Ngay khi giành thắng lợi, cũng như trong cương lĩnh tranh cử của mình, bất chấp việc người đứng đầu quân đội hiện nay ủng hộ mạnh mẽ việc sử dụng các biện pháp quân sự, ông N.Sharif vẫn công khai kêu gọi đối thoại với Taliban, coi đây là biện pháp chấm dứt tình trạng nổi loạn kéo dài gần 7 năm qua tại quốc gia Nam Á này. Thế nhưng, sự việc vừa diễn ra là "gáo nước lạnh" dội vào nỗ lực bấy lâu nay của thủ lĩnh đảng PML-N.
Trong khi đó, những gì mà chính phủ tiền nhiệm Pakistan để lại cũng là thách thức không nhỏ. Trong hơn 5 năm qua, chính phủ của Tổng thống Asif Ali Zardari đã bị chỉ trích mạnh mẽ về khả năng điều hành kinh tế quá yếu kém. Pakistan vẫn trong tình trạng tăng trưởng thấp, lạm phát cao, không tạo được việc làm cho hàng triệu người gia nhập thị trường lao động mỗi năm. Bởi vậy, nếu được chấp thuận giữ cương vị thủ tướng trong kỳ họp Quốc hội Pakistan trong tuần này, ông N.Sharif sẽ phải tiếp quản đất nước trong tình trạng "hỗn độn". Đó là tình trạng thiếu điện nghiêm trọng, vốn là nút thắt lớn nhất với tăng trưởng kinh tế của đất nước. Pakistan liên tục rơi vào tình trạng bị cắt điện tới 20h/ngày. Bên cạnh đó, quốc gia Nam Á này cũng phải đương đầu với cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán. Mặc dù đặt mục tiêu kiềm chế thâm hụt ngân sách Pakistan ở mức khoảng 4,7% GDP trong năm tài chính hiện nay, song hầu hết các nhà phân tích cho rằng mức thâm hụt có thể sẽ cao hơn nhiều. Và dự báo về một gói cứu trợ hàng tỷ USD của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) với Pakistan đã được đề cập.
Rõ ràng, việc "vá" nhiều lỗ hổng để chèo lái con thuyền Pakistan đi đúng hướng là không dễ dàng trong bối cảnh hiện nay. Nếu nhà lãnh đạo mới của Pakistan không hành động nhanh và khéo léo, rất có thể Pakistan sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới. Thách thức với tân nội các của Islamabad đã ở phía trước sẽ quyết định đến sự ổn định tại Nam Á trong thời gian tới.