Chuyện ở “xã gia cầm”
Xã hội - Ngày đăng : 06:41, 02/06/2013
Nổi tiếng vì gà
Địa danh xã Lê Lợi, hay làng Hà Vỹ được nhiều người biết tiếng từ lâu. Các chuyên gia về phòng chống dịch bệnh, thương lái, đến hàng vạn hộ chăn nuôi khắp miền Bắc hầu như ai cũng biết đến, bởi toàn xã có 1.820 hộ với hơn 7.600 nhân khẩu thì có tới hơn 700 hộ gắn bó với nghề kinh doanh gia cầm.
Trưởng thôn Hà Vỹ Khuất Văn Quân chia sẻ, cái duyên gắn bó đời sống người dân ở đây với con gà nói riêng và các loại gia cầm nói chung cũng rất tình cờ. Từ đầu những năm 90 thế kỷ trước, khi rộ lên phong trào nuôi gà công nghiệp, dân Hà Vỹ đã nắm bắt thời cơ coi đây là nghề thoát nghèo. Thế nhưng vào khoảng năm 1995-1996, hàng nghìn con gà công nghiệp đến kỳ xuất chuồng không tiêu thụ được. Một số người thấy cơ nghiệp của mình có nguy cơ tàn lụi thì xót của, cố vớt vát bằng cách thử giết mổ vài con mang bán cho các nhà hàng hoặc bán rong ngoài Hà Nội. Số lượng tiêu thụ dần tăng nên không chỉ giải quyết được lượng gà tồn mà còn mở ra hướng đi mới có hiệu quả.
Từ sau đợt ấy, dân thôn Hà Vỹ không nuôi gà nữa mà đi gom gà ở khắp các địa phương về bán lại cho thương lái. Tiếng lành đồn xa, các chủ buôn bán gia cầm lớn từ Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, Sơn La… cũng tìm về chợ. Xã Lê Lợi giờ có tới hơn 700 hộ chuyên giết mổ gia cầm và xuất buôn từ 30.000 đến 35.000 con gia cầm sống/ngày. Phó Chủ tịch UBND xã Lê Lợi Nguyễn Đăng Thênh cho biết: Nhờ có chợ Hà Vỹ, có nghề giết mổ gia cầm vào nội thành bán lẻ tại các chợ mà đời sống người dân ở đây ngày một khấm khá. Nhiều gia đình gắn bó với nghề này từ gần 20 năm nay, trở nên giàu có.
Nhọc nhằn mưu sinh
Sớm tinh mơ, bất kể ngày nắng hay ngày mưa, từng đoàn xe máy của người dân xã Lê Lợi nối đuôi nhau tiến vào nội ô. Và có lẽ, ngày mới ở đây đến sớm hơn bất kỳ ngôi làng nào ở ngoại thành Hà Nội. 1, 2 giờ sáng, chợ gia cầm nơi đầu làng đã tấp nập xe vào, ra. Ngoài khu vực chợ, người dân giết mổ nhỏ lẻ cũng thức khuya dậy sớm chẳng kém 3, 4 giờ sáng là nhà nhà đã lục đục dậy, ai vào việc nấy. Người đun nước, kẻ vặt lông, kể cả trẻ con và người già cũng xúm vào làm để kịp sớm tinh sương, các bà, các chị chở hàng vào nội thành.
Chị Nguyễn Thị Hương, thôn Hà Vỹ, chuyên bán gia cầm tại chợ Mơ tâm sự: Thức khuya dậy sớm, vất vả là vậy nhưng thu nhập ổn định. Nhà nông mà chỉ trông vào mấy sào lúa, làm dăm ba ngày mỗi vụ thì đói. Thế nên, toàn bộ chi tiêu, mua sắm vật dụng gia đình, nuôi hai con ăn học đều nhờ vào thu nhập từ nghề giết mổ gia cầm. Nghề này bảo giàu ú ụ thì chẳng có, nhưng chịu khó chắt chiu cũng có cuộc sống ổn định.
Chẳng phải nghề hốt bạc nhưng quả thực ở xã Lê Lợi giờ có tới 70% số hộ dựa vào buôn bán giết mổ gia cầm để kiếm sống dẫu biết đi kèm theo là biết bao rủi ro, vất vả. Bọn trẻ phải thức khuya dậy sớm cùng bố mẹ nên việc học hành cũng chểnh mảng. Khi những bà, những chị chở nặng, "thân gái dặm trường" lúc sáng sớm, người thân ở nhà cũng không tránh khỏi lo lắng... Đàn bà chạy chợ nội thành thì đàn ông ở nhà tranh thủ sáng sớm ra chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ mua hàng cho ngày hôm sau.
Gần 20 năm gắn bó với nghề kinh doanh gà, vịt, đời sống của người nông dân ở đây lên xuống thăng trầm cùng với diễn biến dịch bệnh và sự lên xuống của thị trường. Bên cạnh những cái được thì mặt trái của nó cũng từng làm nhức nhối các cơ quan chức năng. Vì lợi nhuận, nhiều tiểu thương đã lách luật, tuồn gà nhập lậu về chợ. Trung bình mỗi năm, các cơ quan chức năng xử lý khoảng chục vụ buôn bán gia cầm lậu trái phép trên địa bàn huyện Thường Tín, tiêu hủy khoảng 6-7 tấn gà thải loại. Tuy nhiên, hai tháng trở lại đây, khi cơ quan chức năng kiểm soát ráo riết, quyết tâm nói không với gia cầm nhập lậu, nhận thức của tiểu thương đã có những chuyển biến tích cực. Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đăng Thênh cho hay, bà con giờ cũng dần nhận thức về tác hại của kinh doanh gia cầm lậu và hợp tác tốt với cơ quan chức năng. Vì vậy, hiện nay gà nội lại lên ngôi.