Sao cho xứng “đồng tiền, bát gạo”
Thể thao - Ngày đăng : 06:24, 02/06/2013
VĐV điền kinh Quách Thị Lan. |
Cách Quách Thị Lan xuất hiện trong làng điền kinh Việt Nam và định hướng đầu tư cho cô gái người Thanh Hóa này là chủ đề khiến báo giới tốn nhiều giấy mực. Chỉ tập luyện thể thao đỉnh cao được hơn một năm, năm 2012, cô gái 17 tuổi người dân tộc Mường này đã khiến các chuyên gia trong làng điền kinh Việt Nam sửng sốt. Sở dĩ nói vậy bởi cách Quách Thị Lan giành tới 3 HCV Đông Nam Á mà còn bởi sự vô đối trên đường chạy 400m, 400m rào ở Giải vô địch quốc gia dù ở đó có những gương mặt nổi tiếng như Nguyễn Thị Thúy, Nguyễn Thị Oanh (Hà Nội). Đã vậy, thành tích ở cự ly 400m của Quách Thị Lan trong năm 2012 còn vượt xa thành tích đoạt HCV SEA Games 26 và tiệm cận huy chương vàng châu lục. Đáng ngạc nhiên là kết quả đó có được khi VĐV chưa hoàn chỉnh kỹ thuật, lại có thể hình lý tưởng (cao 1,74m) đã khiến các chuyên gia tin rằng, đây là tài năng mới của điền kinh Việt Nam. Điều đáng chú ý là ở cả nội dung 400m lẫn 400m rào, Quách Thị Lan đều có thể thi đấu tốt dù đặc thù của từng nội dung, phương pháp tập luyện rất khác nhau. Tuy vậy, các chuyên gia vẫn muốn Quách Thị Lan chuyên tâm hơn vào nội dung 400m, nơi cô có thể phát huy được hết tố chất của mình.
Cũng vì tài năng và tiềm năng vươn xa đến tầm châu lục của Quách Thị Lan, chuyện đầu tư mạnh tay cho cô đã được đặt ra. Ban đầu, từ bộ môn điền kinh (Tổng cục TDTT) đến Liên đoàn điền kinh Việt Nam và bộ môn điền kinh của Thanh Hóa đều muốn đưa Quách Thị Lan tập huấn dài hạn ở Châu Âu, thậm chí là Mỹ - những trung tâm hàng đầu thế giới về cự ly ngắn và trung bình, giống như cách đầu tư cho Nguyễn Thị Ánh Viên của môn bơi. Theo đó, trung ương, địa phương cùng san sẻ kinh phí tập huấn cho VĐV và Nguyễn Thị Ánh Viên giờ là niềm hy vọng lớn nhất của bơi lội Việt Nam với thành tích đã đạt chuẩn dự giải thế giới. Nhưng sau này, lại có quan điểm, để Quách Thị Lan tập huấn tại Việt Nam với chuyên gia giỏi kết hợp với nhiều chuyến thi đấu quốc tế. Chưa thống nhất được quan điểm đầu tư, Quách Thị Lan vẫn phải tập huấn trong nước với điều kiện không thể coi là dành cho VĐV trọng điểm. Nỗi lo tài năng Quách Thị Lan sẽ thui chột nếu vẫn chỉ được sự đầu tư nửa vời dấy lên. Tuy vậy, cuối cùng, phương án đưa Quách Thị Lan đi tập huấn tại Bulgaria (địa điểm tập huấn là Học viện Thể thao Sofia) được lựa chọn. Tổng cục TDTT và ngành thể thao Thanh Hóa mỗi bên chi một nửa kinh phí tập huấn từ tháng 6 đến hết tháng 11. Anh trai của cô, VĐV chạy 400m Quách Công Lịch được Tổng cục TDTT hỗ trợ 30%, ngành thể thao Thanh Hóa chi 70% kinh phí tập huấn tại “xứ sở Hoa hồng”. Tổng kinh phí cho chuyến tập huấn 6 tháng của hai anh em Quách Công Lịch - Quách Thị Lan vào khoảng 60.000 USD, trong đó Tổng cục TDTT chi khoảng 35.000 USD. Trong thời gian này, cả hai sẽ được đăng ký dự Giải vô địch quốc gia Bulgaria.
Đây sẽ là chuyến tập huấn nhiều kỳ vọng của điền kinh Việt Nam và người hâm mộ hy vọng chuyến đi này sẽ xứng "đồng tiền, bát gạo".
Ngành thể thao Thanh Hóa còn chi toàn bộ kinh phí để Nguyễn Thị Phương (300m vượt chướng ngại vật), Lê Thị Phương (nhảy sào) sang tập huấn dài hạn tại Bulgaria. Đây được coi là bước đột phá của điền kinh Thanh Hóa để không chỉ nhắm đến mục tiêu ĐH TDTT toàn quốc mà còn là vươn đến tầm châu lục. |