Hỗ trợ các doanh nghiệp là việc rất cấp thiết

Xã hội - Ngày đăng : 05:53, 02/06/2013

(HNM) - Trong bối cảnh kinh tế đang ngày càng khó khăn, số doanh nghiệp (DN) hoạt động cầm chừng, thậm chí tuyên bố ngừng hoạt động, phá sản ngày càng tăng, yêu cầu hỗ trợ DN vượt khó đặt ra ngày càng cấp thiết. Là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước, Hà Nội đã triển khai các biện pháp hỗ trợ DN ra sao, thực hiện nhiệm vụ quan trọng này có gì khó khăn, vướng mắc…

Đó là những nội dung cơ bản của cuộc đối thoại giữa Báo Hànộimới và Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu.

Các biện pháp hỗ trợ phải thiết thực, hiệu quả

- Thời gian qua, Hà Nội là một trong những địa phương đã chủ động và tích cực trong việc hỗ trợ các DN vượt khó. Tuy nhiên, năm 2013 đang đặt ra những thách thức mới. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã triển khai thực hiện việc hỗ trợ các DN như thế nào, thưa ông?

- TP Hà Nội ý thức rất rõ tính cấp thiết của vấn đề hỗ trợ các DN trong tình hình hiện nay. Ngay từ đầu năm 2013, UBND TP đã tổ chức hội nghị với sự tham dự của lãnh đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã để phổ biến, quán triệt các Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP của Chính phủ, đồng thời UBND TP đã ban hành Chương trình hành động số 22/CTr-UBND ngày 29-1-2013 nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Tháng 3-2013, UBND TP tiếp tục ban hành Kế hoạch số 51/KH-UBND về triển khai tổ chức giao ban tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh cho các DN, đồng thời tổ chức hội nghị DN năm 2013 với sự tham gia của hơn 200 đơn vị đại diện cho các lĩnh vực… Đến nay, UBND TP đã bốn lần trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc với các DN trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu.


- Việc cụ thể hóa những chủ trương của lãnh đạo thành phố đã được tiến hành như thế nào, thưa ông?

- Các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã cũng đã vào cuộc, xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình hành động của UBND TP. Cùng với các cuộc đối thoại với DN ở cấp TP; các sở, ngành theo chức năng nhiệm vụ cũng phải tổ chức đối thoại với DN. UBND TP đã ban hành quyết định tiếp tục hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các DN của Hà Nội, thành lập Ban chỉ đạo và tổ công tác tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho DN do Chủ tịch UBND TP làm Trưởng ban, các sở, ngành: KH-ĐT, Tài chính, Công thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế Hà Nội… làm thành viên. Đặc biệt, UBND TP đã lập đường dây nóng và thường xuyên trao đổi thông tin với DN để cùng tháo gỡ khó khăn. Chúng tôi dự định sẽ tiếp tục tổ chức thêm các cuộc đối thoại với DN trong năm nay. Đây là những động thái khẳng định thành phố rất sát sao, thường xuyên quan tâm đến cộng đồng DN và người lao động.

Trong tháng 5 vừa qua, 7 tổ công tác của thành phố đã được giao nhiệm vụ khảo sát thực tiễn tại khoảng 50 DN để lập báo cáo tình hình, đề xuất phương án hỗ trợ DN. Tinh thần giải quyết khó khăn cho DN của chúng tôi là cái gì thành phố có thể quyết được sẽ quyết ngay, vấn đề gì không thể quyết sẽ báo cáo đề xuất Chính phủ trong thời gian nhanh nhất.

- Những việc làm nói trên có thể nói là đầy đủ, trách nhiệm. Nhưng đối với các DN cũng như đối với lãnh đạo thành phố, kết quả thực tế là rất quan trọng, đó là minh chứng cụ thể cho hiệu quả của các giải pháp đưa ra…

- Chúng tôi xác định các biện pháp cần phải thực chất, đem lại hiệu quả thực sự cho DN. Cùng với các giải pháp mang tính tổng thể, bao quát chung, thành phố đã có những biện pháp hỗ trợ cụ thể cho DN. Từ đầu năm đến nay, đã hỗ trợ 50 tỷ đồng, giúp các DN xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các DN đăng ký tham gia tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; tổ chức các hội chợ, liên kết kinh tế, thương mại với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước; tập trung hỗ trợ vào một số lĩnh vực như sản phẩm ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chủ lực, các sản phẩm làng nghề; sản phẩm công nghiệp sáng tạo; chương trình đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa năm 2013; xây dựng và phát triển thương hiệu. Thành phố cũng đã hỗ trợ 16 tỷ đồng từ nguồn kinh phí khuyến công cho các DN nhỏ và vừa, HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, thành phố cũng tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN khi tiếp xúc với các cơ quan công quyền.

5 tháng đầu năm 2013, Hà Nội đã xem xét hỗ trợ lãi suất cho 5 DN; thực hiện việc giãn, hoãn tiền thuế giá trị gia tăng cho hơn 10.000 DN với tổng số tiền hơn 388 tỷ đồng; cho phép chuyển đổi 4 dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, hỗ trợ xúc tiến thương mại....

Có kết quả bước đầu nhưng cần phải kiên trì

- Vừa qua, thống kê số lao động trở lại làm việc ở Hà Nội có tỷ lệ rất cao, nghĩa là số lao động mất việc đã giảm rất nhiều. Đây có phải là dấu hiệu cho thấy DN Hà Nội đã được hỗ trợ tốt hơn và đang trên đường tìm lại xu hướng tăng trưởng mới?

- Từ sau Tết Nguyên đán, gần như tất cả số công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp Hà Nội đã trở lại làm việc. Đặc biệt, từ đầu năm tới nay, thông qua các phiên giao dịch việc làm, các DN còn tuyển dụng thêm 40.000 lao động. Điều này chứng tỏ một phần nhu cầu tuyển dụng lao động vẫn tăng, nhiều DN duy trì được sản xuất và phát triển. Việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm của Hà Nội cũng đã có nhiều đổi mới, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa đơn vị tuyển dụng và người lao động, hai bên có thể gặp nhau trực tiếp trao đổi và giảm thiểu thời gian đăng ký, tuyển dụng, được cộng đồng DN và người lao động đánh giá cao. Đây là biện pháp vừa nhằm bảo đảm an sinh xã hội vừa hỗ trợ các DN. UBND TP, LĐLĐ TP và các ngành đã gặp gỡ người lao động và DN trong các khu công nghiệp để giải quyết khó khăn và tạo điều kiện tốt hơn cho sản xuất kinh doanh.

- Phải chăng một số chính sách mà chúng ta đang triển khai vẫn cần thêm “độ trễ” nhất định mới đem lại hiệu quả thực sự, thưa ông?

- Tôi nghĩ rằng ở khía cạnh nào đó chúng ta phải xem xét tình hình dựa trên các quy luật kinh tế thị trường và thực tiễn hiện nay. Các chính sách thường có “độ trễ” nhất định, cũng có nhiều chính sách có tác dụng ngay. Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương vào cuộc hỗ trợ DN của thành phố, các chính sách đã đem lại nhiều hiệu quả thực tế, nhưng một số giải pháp hoặc một phần, hoặc tất cả cần có thêm thời gian mới có tác dụng cụ thể, mới nhìn thấy rõ kết quả. Chúng ta cần phải kiên trì.

- Mặc dù kết quả kinh tế 5 tháng đầu năm của Hà Nội có khả quan, nhưng lãnh đạo thành phố khẳng định tốc độ tăng trưởng còn chậm. Trước tình hình đó, UBND TP đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thúc đẩy kinh tế Thủ đô tăng tốc để từ nay đến cuối năm đạt được các chỉ tiêu kinh tế đã đề ra. Thành phố sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ DN ra sao?

- Như đã nêu, Hà Nội sẽ kiên trì thực hiện các biện pháp theo Chương trình hành động số 22/CTr-UBND đã ban hành cũng như thực hiện nghiêm các nghị quyết của Chính phủ. Thành phố sẽ tập trung hỗ trợ DN trên các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm như xử lý nợ xấu; tập trung hỗ trợ thị trường; giải quyết hàng tồn kho; tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh phát triển thương mại và xuất khẩu. Thành phố cũng đã giao nhiệm vụ cho các sở, ngành triển khai các nội dung nêu trên, song song với yêu cầu về tiến độ thời gian và tăng cường tiếp xúc với DN theo các chuyên đề. Theo Kế hoạch số 51/KH-UBND, các sở, ngành còn có trách nhiệm chủ động tiếp xúc, gặp gỡ DN để tổng hợp những khó khăn, vướng mắc báo cáo UBND TP xem xét giải quyết. Thời gian tới, các sở, ngành sẽ liên tục có những buổi tiếp xúc với các DN theo từng nhóm lĩnh vực, chủ đề để cùng trao đổi, nắm bắt các khó khăn và trực tiếp chỉ đạo xử lý. Đồng thời, thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành tập trung triển khai xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh và nâng cao chỉ số PCI năm 2013 của Hà Nội.

- Theo đánh giá, dường như một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa nỗ lực vào cuộc để hỗ trợ DN vượt khó. Ý kiến của ông về vấn đề này?

- Tôi cho rằng việc lúng túng là khó tránh khỏi. Nhưng đến thời điểm này tất cả các sở, ngành đã và đang nghiêm túc triển khai Chương trình hành động số 22/CTr-UBND của UBND TP. Tuy nhiên, thành phố xác định phải thường xuyên đôn đốc các sở, ngành, quận, huyện, thị xã thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN trên tinh thần của “Năm kỷ cương hành chính - 2013”. Đối với các đơn vị làm không tốt, thành phố đã có biện pháp kiểm tra công vụ để xem xét trách nhiệm cụ thể, có biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Tinh thần chỉ đạo chung của thành phố trong việc hỗ trợ DN hiện nay là phải thực hiện hết sức quyết liệt, nghiêm túc và chia sẻ khó khăn cùng DN.

Doanh nghiệp cũng phải tự vận động

- Hà Nội đã có chủ trương xây dựng ngành kinh tế mũi nhọn, các sản phẩm kinh tế chủ lực. Điều này có vai trò như thế nào trong phát triển kinh tế của thành phố?

- Phải khẳng định vai trò của ngành kinh tế mũi nhọn và kinh tế chủ lực đã góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế Thủ đô. Những năm qua các DN này đã tạo ra các sản phẩm có thế mạnh, mang thương hiệu của Thủ đô như: dây cáp điện của Công ty cổ phần Cơ điện Trần Phú; sản phẩm quạt điện của Điện cơ Thống Nhất; đèn huỳnh quang, đèn compact của Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông; sản phẩm khóa của Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp; sản phẩm dệt kim của Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân; quần áo của Công ty May 10; sản phẩm giày của Công ty cổ phần Giày Thượng Đình; sản phẩm sữa của Công ty cổ phần Sữa quốc tế, sữa Hà Nội Milk... Thành phố đã và đang xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo hướng CNH-HĐH với mục tiêu về trước cả nước từ một đến hai năm. Việc hỗ trợ DN phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp mũi nhọn có chất lượng và sức cạnh tranh cao; sản phẩm công nghiệp công nghệ cao nằm trong chương trình dài hơi của thành phố nên thành phố sẽ tiếp tục chủ trương này.

- Khó khăn trong hai năm qua đã tác động như thế nào đến việc xây dựng ngành kinh tế mũi nhọn và các sản phẩm kinh tế chủ lực? Giải pháp hỗ trợ cho nhóm các DN này ra sao và Hà Nội có dự định gì để thúc đẩy hiệu quả của chủ trương nêu trên?

- Thời gian qua, tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn do vậy đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh, tuy nhiên đa số các DN trong những ngành này đã trụ vững, có thị trường ổn định, đặc biệt là hướng mạnh vào thị trường nội địa. Do sản xuất kinh doanh ổn định nên việc vay vốn ngân hàng của các DN này tương đối thuận lợi, nhưng mức lãi suất còn cao nên các DN chưa có điều kiện đầu tư trang thiết bị và đầu tư chiều sâu, do đó tăng trưởng kinh tế những năm qua còn thấp. Thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu để hỗ trợ DN theo các chương trình trên với nhiều chính sách ưu đãi và thiết thực hơn.

- Chúng tôi được biết, dây và cáp điện của Công ty cổ phần Cơ điện Trần Phú được xác định là sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường và hiện đang chiếm thị phần chủ lực tại khu vực phía Bắc. Thời gian qua, mức thu nhập trung bình của người lao động DN này là khá cao, khoảng 7,5 triệu đồng/người/tháng. Vậy đâu là bí quyết giúp DN vượt qua những khó khăn này?

- Không riêng Công ty cổ phần Cơ điện Trần Phú, thời gian qua còn một số DN khác rất năng động, sáng tạo, chọn cho mình những hướng phát triển phù hợp để có thể vượt qua những khó khăn, thách thức. Cụ thể, một số DN đã chuyển hướng thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại; cơ cấu lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, tổ chức lại lực lượng lao động; tập trung vào các sản phẩm chủ lực; nghiên cứu, sử dụng nguyên vật liệu nội địa thay thế cho việc nhập khẩu để hạ giá thành sản phẩm; triệt để tiết kiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng cường kỹ năng quản trị DN, chống thất thoát, lãng phí trong quá trình sản xuất... Theo tôi, cùng với việc thành phố và các ngành chức năng triển khai những giải pháp giúp DN giảm chi phí “đầu vào”, hỗ trợ “đầu ra”, đồng thời tháo gỡ khó khăn về lãi suất ngân hàng, xử lý nợ xấu, giải quyết hàng tồn kho, tạo điều kiện trong việc tiếp cận nguồn vốn với những cơ chế, chính sách ưu đãi... thì bản thân các DN phải “tự thân vận động” bằng năng lực thực của mình để khẳng định vị trí trên thị trường. Đây cũng là dịp để các DN cơ cấu lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh tế, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm... Đó chính là hai mặt của một vấn đề để chúng ta có thể vượt qua khó khăn.

- Xin cảm ơn ông!

Ngọc Hà - Thái Sơn